MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nguyệt luôn ngóng tin chồng từ Đăk Mi 2. Ảnh: Anh Sơn

Vợ chờ tin chồng từ Đăk Mi 2

Hà Anh - Hà Sơn LDO | 30/10/2020 15:25

Sáng 30.10, Đường dây nóng Báo Lao Động nhận được điện thoại của vợ của một công nhân đang làm việc tại công trường nhà máy thủy điện Đăk Mi 2 (xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Chị cho biết, từ trưa ngày 28.10, đến sáng sớm ngày 30.10, gia đình không thể liên lạc với người thân.

Chồng trong tâm bão

Sau khi nhận được được thông tin của bạn đọc, chúng tôi đã tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt vợ anh Đỗ Mạnh Tùng, người đang ở Đăk Mi 2.

Tại ngôi nhà của gia đình (đường Tựu Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) chị Nguyệt nước mắt lưng tròng cho biết, anh Tùng là công nhân điều khiển máy cẩu thuộc Công ty Cơ khí điện thuỷ lợi (Thanh Trì, Hà Nội). Anh vào Đăk Mi 2 từ ngày 8.8, đúng lúc Đà Nẵng, Quảng Nam đang có dịch COVID-19 hoành hành…


Mẹ và vợ anh Tùng luôn theo dõi thông tin của thuỷ điện Đăk Mi 2 trên tivi. Ảnh: Anh Sơn

Đầu tháng 10.2020, anh Tùng có về thăm gia đình. Trong câu chuyện kể, anh Tùng cho biết lán anh và các đồng nghiệp ở nằm dưới một quả núi đá, sinh hoạt dựa vào nguồn thực phẩm từ nơi khác chuyển đến - cách đó khoảng 50km, nước sinh hoạt dựa vào từ suối và nước mưa…

Sau đó, do yêu cầu công việc, ngày 9.10, anh quay lại công trường.

Thời gian gần đây, mưa lũ hoành hành tại miền Trung đã khiến nhiều người thiệt mạng và mất tích… Nhất là những tin về người mất tích tại Thuỷ điện Rào Trăng 3 chưa tìm được liên tục được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, khiến gia đình chị Nguyệt lo lắng.

“Trưa ngày 28.10, anh Tùng có gọi điện về báo, do tình hình bão số 9 rất mạnh nên chỉ huy công trường yêu cầu tất cả anh em công nhân phải khẩn cấp rời khỏi khu lán trại về nhà điều hành trên công trường để phòng núi lở. Khi đó, anh không kịp mang theo hành trang, thực phẩm...” - chị Nguyệt kể.

Sau thời điểm đó, bão số 9 ập vào miền Trung. Những hình ảnh trên truyền hình, tin tức về những vụ sạt lở gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân miền Trung liên tục được đăng tải… khiến chị Nguyệt thêm phần lo lắng, bởi anh Tùng đang làm việc ở trong vùng sâu, vùng xa, đúng khu vực bão số 9 đổ vào…

“Rồi tôi đọc được thông tin, khi bão số 9 ập đến, có hơn 200 cán bộ, công nhân đang thi công tại thuỷ điện Đăk Mi 2 chia cắt, cô lập… khiến tôi rất bàng hoàng” - chị Nguyệt sụt sùi.

Sau khi đọc được tin, chị Nguyệt liên tục gọi vào số máy của chồng nhưng không thể kết nối được. Vợ các đồng nghiệp của anh Tùng cũng không thể liên lạc được với chồng.

Lúc này, chị Nguyệt chỉ ngóng được thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình trong Đak Mi 2…

Do mẹ chồng cao tuổi và mắc bệnh huyết áp cao, nên những ngày qua chị Nguyệt giấu việc không thể liên lạc được với chồng với gia đình.

Mẹ mong được gặp con

Qua trao đổi, chị Nguyệt cho biết, đến 9h30 sáng 30.10, thì anh Tùng có gọi điện về.

“Anh cho biết, do sáng nay mưa đỡ, trời hửng nắng, nên hơn 10 anh em công nhân đi bộ từ lúc 6h30 tìm nơi cao ráo, đến hơn 9h mới có thể gọi điện về với gia đình. Sau đó, điện thoại lại mất sóng lên không thể liên lạc được” - chị Nguyệt nói.

Qua trao đổi nhanh với vợ, anh Tùng cho biết, hiện nay nhóm của anh vẫn an toàn, nhưng không thể lấy tư trang, cũng như lương thực bởi mưa lũ đã làm sạt lở, không thể tiếp cận tới khu lán trại, hiện thực phẩm chỉ còn chút gạo để nấu cháo, nếu không được tiếp tế kịp thời thì tối nay mọi người sẽ phải sống trong cảnh đói, rét vì hết thực phẩm và mỗi người khi chạy lũ chỉ mang theo được một bộ quần áo…

Trong khi chúng tôi trao đổi với chị Nguyệt thì bà Đặng Thị Bình (sinh năm 1946) - mẹ anh Tùng - mới biết được chuyện con trai bà hiện đang bị cô lập trong thuỷ điện Đăk Mi 2.

Bà Bình, thều thào: “Tôi cũng biết việc Tùng làm thuỷ điện trong rừng sâu, núi thẳm tại tỉnh Quảng Nam. Vừa qua, tình hình bão lũ khốc liệt khiến tôi cùng gia đình rất lo lắng. Mãi đến khi các anh đến, Nguyệt mới thông tin là đội công nhân của Tùng bị cô lập và Tùng đã gọi điện về thì tôi mới phần nào yên tâm”…

Hiện bà Bình và chị Nguyệt hiện còn rất lo lắng bởi anh Tùng bị bệnh hen, nếu không đủ thuốc và chịu cảnh đói, rét thì rất ảnh hưởng đến sức khoẻ.

“Gia đình chúng tôi cũng như các đồng nghiệp của anh Tùng đang mắc kẹt ở Thuỷ điện Đăk Mi 2 đều mong muốn các cơ quan sớm tiếp cận những nơi bị cô lập để kịp thời cứu hộ, cung cấp thực phẩm để mọi người chống chọi với đói rét. Đặc biệt, chúng tôi chỉ cần người thân chở về nhà an toàn. Bởi với thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng mà chúng tôi luôn phải sống trong lo lắng thì cũng không đáng” - bà Bình nêu nguyện vọng.

14h chiều 30.10, chúng tôi gọi số điện thoại của anh Tùng, nhưng không liên lạc được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn