MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vợ chồng công nhân: Chăm chỉ làm việc để có tiền nuôi con ăn học

Bảo Hân - Lương Hạnh LDO | 04/02/2023 16:25
Hiện nay, rất nhiều vợ chồng công nhân phải chấp nhận xa quê, xa con, thuê trọ tại nơi đất khách quê người để kiếm sống. Với khoản thu nhập ít ỏi, họ phải chi tiêu tiết kiệm nhất có thể để dành tiền gửi về quê nuôi các con ăn học. 
Công nhân chăm chỉ làm việc để chăm lo cho các con được tốt hơn. Ảnh minh hoạ: Bảo Hân 

Chị Hoàng Thị M (Khu công nghiệp Yên Phong, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) cho biết, lương cơ bản của chị là 6 triệu đồng/tháng. Cộng các khoản phụ cấp, làm thêm (nếu có), tổng thu nhập của chị là 9-10 triệu đồng/tháng. Chồng chị cũng làm công nhân trong khu công nghiệp, thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng. 

“Các khoản chi tiêu trong tháng của vợ chồng chỉ gói gọn trong thu nhập của một người. Số tiền còn lại, vợ chồng tôi gửi về quê nuôi các con cũng như dành dụm” – chị M cho hay. 

Hai vợ chồng thuê trọ tại xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh để làm công nhân tại Khu công nghiệp Yên Phong ở gần đó. Riêng tiền thuê trọ, điện nước đã lên tới 1,2 - 1,3 triệu đồng/tháng. 

Nữ công nhân này cho biết, nhiều năm qua, vợ chồng chị phải đi làm để trả các khoản nợ xây nhà ở quê. Đến nay, vợ chồng này đã trả gần hết, chỉ còn khoảng hơn 10 triệu đồng tiền mua vật liệu. 

Vợ chồng công nhân này có 2 con (học lớp 7 và mẫu giáo) được gửi ở quê Lạng Sơn nhờ ông bà trông nom, chăm sóc. Mỗi tháng, chị M gửi về cho ông bà từ 5-6 triệu đồng để lo cho con ăn học và hỗ trợ ông bà. 

“Nuôi con, rồi với nhiều khoản phải chi như vậy, nên tính ra đi làm công nhân xa nhà đã nhiều năm, vợ chồng tôi không dành dụm được khoản tiền đáng kể nào. Tôi ít khi mua sắm quần áo hay những đồ cá nhân khác cho bản thân mình. Tôi phải chi tiêu tiết kiệm để có tiền nuôi các con ăn học đàng hoàng” – chị M chia sẻ. 

Theo bà Nguyễn Thị Vân Hà – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh – mới đây, Liên đoàn Lao động tỉnh và Ban quản lý các Khu công nghiệp đã tiến hành khảo sát cho thấy: 2/3 số con nhỏ của công nhân lao động trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và tiểu học (50.000 trẻ) phải gửi về quê nhờ ông bà, người thân chăm sóc; 2/3 tổng thu nhập hàng tháng của công nhân lao động các khu công nghiệp được gửi về quê hỗ trợ gia đình, người thân và nuôi con nhỏ.  

Trở lại Hà Nội từ mùng 4 Tết, chị Đào Thị Bằng (quê Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cảm thấy phấn khởi khi công việc vẫn đều đặn, trong khi nhiều người cùng xóm trọ của còn ở quê chưa có mặt vì công ty họ ít việc.  

Đây là năm thứ 14, chị Bằng xa nhà, đi làm công nhân ở Hà Nội. Chồng chị Bằng làm nghề tự do, dịch COVID-19 khiến chồng chị rơi vào cảnh thất nghiệp. Từ đó đến nay, chị Bằng là trụ cột chính trong gia đình. Hiện khoản tiền lương 8 triệu đồng/tháng của chị đang phải để chăm lo cho cả gia đình 5 người.  

“Tôi chỉ dám giữ lại tiền trọ, tiền điện, nước và tiền ăn khoảng 3 triệu đồng, còn lại tôi gửi về cho chồng lo tiền học phí, ăn uống của con” - chị Bằng cho hay.  

Những ngày giáp Tết, chồng chị nhận đi chở đào thuê, mỗi ngày kiếm được từ 200.000 – 500.000 đồng. Số tiền này cũng giúp chị Hằng phần nào trong khi phải chi tiêu trong dịp Tết. 

"Hơn 2 năm nay, chồng không có việc, con nhỏ nên anh ở nhà trông con phụ cho tôi yên tâm đi làm. Vất vả nhất là năm ngoái, cả 3 con với hai vợ chồng đều ở trên này, mẹ ở quê thì bệnh. Thời gian đó làm đến đâu tiêu hết đến đấy, có lúc phải vay mượn thêm. Bây giờ cả ba bố con đã ở quê, cũng đỡ phần nào chi tiêu đắt đỏ ở Hà Nội” - chị Bằng kể lại.  

Tết Nguyên đán vừa qua, cả tiền lương và thưởng Tết, chị Bằng nhận về gần 20 triệu đồng. Số tiền này, chị về quê trả nợ hơn một nửa, còn lại không được là bao. 

"Ra Tết, tôi cũng lo công việc bị ảnh hưởng nhưng cũng may đến giờ này, việc ở bộ phận tôi vẫn đều, công nhân không bị giảm giờ làm hay mất việc. Tôi chỉ mong sức khỏe, không ốm đau để cố gắng đi làm kiếm tiền" - chị Bằng bộc bạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn