MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Vi Ỷ Tá đang nấu ăn trong phòng trọ. Ảnh: Bảo Hân.

Vợ chồng công nhân khu công nghiệp: Chồng chất nỗi lo khi có con

Bảo Hân LDO | 01/11/2020 15:35
Đối với nhiều cặp vợ chồng công nhân khu công nghiệp, sinh con là một áp lực rất lớn.

Quê ở một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, chị Vi Ỷ Tá ra làm công nhân Khu công nghiệp Thăng Long được 1 năm nay. Hai vợ chồng thuê trọ với giá 1 triệu đồng/tháng tại thôn Sáp Mai, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Chị Tá cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, công ty nơi chị làm việc không tổ chức làm thêm. Chị chỉ làm theo ca, do vậy thu nhập giảm đáng kể so với khi “được” làm thêm. Tổng thu nhập của chị một tháng chỉ được 4,8 triệu đồng.

Chồng chị làm cùng công ty. Tổng thu nhập của cả 2 rơi vào khoảng 10 triệu đồng/tháng.

“Trong khi đó, hàng tháng 2 vợ chồng phải chi rất nhiều khoản: Tiền thuê nhà 1 triệu đồng/tháng; tiền điện, nước gần 1 triệu đồng/tháng; tiền ăn uống, sinh hoạt; tiền gửi về quê hỗ trợ bố mẹ đã già…”, tính ra cả tháng vợ chồng tôi dành dụm không đáng kể” - chị Tá cho hay.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền càng lớn dần lên khi chị Tá đang mang bầu tháng đứa con đầu. Mặc dù mới tháng thứ 2, chị đã khá lo lắng, bởi biết để nuôi một đứa con với thu nhập hiện tại sẽ rất khó khăn.

“Thời gian này, công ty không làm thêm nên nếu sinh con chắc chắn sẽ khó khăn hơn so với thời gian trước. Hơn nữa, cả hai vợ chồng chưa tích góp được tiền nên lại càng vất vả hơn”- chị Tá chia sẻ.

Chị Tá nói thêm, đó là chưa kể sẽ phát sinh nhiều thứ khác, như phải nhờ ông bà lên trông cháu sau thời gian nghỉ thai sản để đi làm. Mặc dù nghĩ đến những khó khăn trong tương lai, nhưng chị rất háo hức mong chờ cháu ra đời.

Để có thêm thu nhập cho cả nhà, anh Tuấn – chồng chị - ngoài đi làm trong công xưởng còn tranh thủ lúc rỗi rãi đi làm shipper. Những ngày nghỉ, anh cũng rong ruổi ngoài đường để cóp nhặt thêm những đồng tiền mặn chát mồ hôi.

Trọ gần với chị Tá là chị Nguyễn Thị Hạnh, quê ở Ba Vì, Hà Nội. Chị mới sinh cháu, hiện tại mới 5 tháng tuổi. Chồng chị làm nghề lắp đặt thiết bị báo cháy, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập của cả nhà cũng chỉ 10 triệu đồng/tháng.

Chị Hạnh cho biết, theo tính toán của chị, với tổng thu nhập này, nếu nuôi 1 con sẽ khá chật vật, còn nếu có 2 con, có lẽ sẽ không cáng đáng nổi.

“Thời gian vừa rồi, do dịch COVID-19 nên công ty cho công nhân nghỉ làm trước khi tôi sinh tầm 1,5 tháng. Bây giờ, chi tiêu của cả gia đình trông chờ vào những đồng tiền chồng mang về và tiền thai sản của tôi”- chị Hạnh nói. Một tháng nữa, khi đến lúc đi làm trở lại sau thời gian nghỉ thai sản, chị sẽ phải nhờ mẹ chồng lên nhà trọ trông cháu.

Một dãy nhà trọ của công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Bảo Hân

Chị Hạnh nói thêm, chị sẽ cố gắng nuôi đứa con đầu cho thật tốt, nếu thu nhập của 2 vợ chồng vẫn như bây giờ thì chưa dám nghĩ đến đứa thứ 2, chờ sau này sẽ tính tiếp.

Đây cũng là tâm lý chung của nhiều cặp vợ chồng công nhân khi nghĩ đến việc sinh con thứ 2. Cuộc sống vốn chất chồng nhiều khó khăn, khiến đối với họ, phải suy nghĩ thật kỹ khi muốn có thêm một đứa con.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn