MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Với nhiều người lao động, tuổi nghỉ hưu là yếu tố quyết định việc rút bảo hiểm 1 lần

Mạnh Cường LDO | 20/08/2023 11:46

Liên quan đến các đề xuất nhằm giảm thiểu tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần như thay đổi cách tính lương hưu hay giảm số năm đóng bảo hiểm, phần lớn người lao động quan tâm đến vấn đề tuổi nghỉ hưu hơn là các đề xuất này.

Chị Đinh Thị Bích Nguyệt (41 tuổi), công nhân giày da tại Nam Định cho biết, điều chị quan tâm nhất là tuổi nghỉ hưu. Chị dự tính trước mắt sẽ cố đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm rồi xin nghỉ làm công việc tự do chờ đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu. Nhưng tuổi nghỉ hưu quá lâu cũng khiến chị nản lòng.

Dù mới đi làm được 8 năm, tuổi cũng chưa phải là cao nhưng sức khỏe của chị Nguyệt không còn như trước. Công việc áp lực, vất vả khiến nữ công nhân không thể tăng cân trừ lúc nghỉ thai sản mặc dù vẫn ăn uống đầy đủ.

Chị Nguyệt cùng con gái. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bản thân chị Nguyệt không chắc có thể cố gắng làm đủ 20 năm hay không. Chị dự tính làm đến tầm 50 tuổi rồi xin nghỉ ở nhà phụ chồng việc kinh doanh hoặc bế cháu nếu con cái có gia đình, sinh nở.

Công nhân may Nguyễn Thị Kiều Loan (29 tuổi, Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, với người trẻ việc chờ đến tuổi nghỉ hưu là rất khó, bởi công ty khó chấp nhận giữ công nhân độ tuổi ngoài 45.

Theo chị Loan, nguyên nhân rút bảo hiểm xã hội một lần chính vẫn là tuổi nghỉ hưu hiện nay cao. Người lao động nếu đi làm sớm, tích lũy gần đủ số năm đóng bảo hiểm nhưng còn chục năm thậm chí hơn mới đến tuổi nghỉ hưu, nếu có việc cần sử dụng đến tiền, họ sẽ chọn rút chế độ 1 lần.

“Như bản thân tôi hiện tại đã đóng bảo hiểm xã hội được hơn 6 năm, ngoài 40 tuổi cũng được 17 năm đóng bảo hiểm. Lúc đó nếu không đi làm nữa, tôi tính rút ra gửi tiết kiệm lấy lãi hàng tháng. Đợi gần 20 năm sau mới được hưởng lương hưu thì tôi không chắc" - chị Loan nói.

Lý giải chi tiết hơn, chị Loan cho biết 17 năm đóng bảo hiểm xã hội như bây giờ (mức đóng 5 triệu đồng lương cơ bản và phụ cấp) rút bảo hiểm một lần lấy về tính nhanh được ít nhất 160 triệu đồng.

Chị Loan cho rằng người lao động trẻ rất khó đợi đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo chị Loan, gửi lãi ngân hàng được hơn 1 triệu đồng/tháng, 20 năm sau cả gốc và lãi lên đến hơn 400 triệu đồng. Lúc đó dùng 400 triệu đồng này gửi tiết kiệm cũng được gần 3 triệu đồng/tháng mà vẫn có khoản gốc để đó không mất đi.

Bà Hoàng Thị Thanh (48 tuổi), công nhân cắt vải tại Nam Định chia sẻ, 12 năm sau lúc bản thân 60 tuổi, giá hàng hóa tăng lên rất nhiều. Sợ rằng đồng lương hưu lúc đó không đủ để trang trải cuộc sống.

“Năm 2008 giá gạo có 6.000 đồng/kg, bây giờ đã tăng lên 16.000 đồng/kg, 12 năm sau, giá gạo không biết đã tăng thêm bao nhiêu. Do vậy, tôi luôn suy nghĩ sẽ rút bảo hiểm xã hội 1 lần vì không đợi được đến tuổi hưu" - bà Thanh nói.

Hiện tại, bà Thanh đã đóng bảo hiểm xã hội được gần 16 năm. Khi nghe tin tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 đến 60 tuổi bà đã rất hụt hẫng. Bởi dự định trước đó của bà chỉ làm đến khi đủ 20 năm đóng bảo hiểm rồi xin nghỉ, đợi đến năm 55 tuổi lấy lương hưu, an hưởng tuổi già sớm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn