MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Tạ Văn Tiến trong căn phòng trọ gần Khu công nghiệp Thăng Long, được thuê với giá 800.000 đồng/tháng. Ảnh: Tất Thảo

Vòng quay "ăn, ngủ, đi làm" của công nhân khu công nghiệp

Tất Thảo LDO | 23/10/2021 14:48
Hà Nội - Ăn, ngủ, đi làm gần như là "điệp khúc" của anh Tạ Văn Tiến. Nhất là những buổi phải làm tăng ca đêm, nam công nhân khu công nghiệp Thăng Long này gần như dành cả ngày ngủ trong phòng trọ chật chội tại thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội để lấy lại sức.  

Đêm làm, ngày ngủ  

Gần 9 giờ sáng một ngày cuối tuần, anh Tiến loanh quanh trong nhà để dọn dẹp nhà cửa. Trên bếp gas, nồi bánh đa anh nấu để ăn sáng đã nguội đi, sợi bánh trương lên.

“Tôi nấu được một lúc rồi, nhưng đang dở tay, nên chưa kịp ăn”- anh Tiến giải thích.  

Tối hôm trước, anh Tiến đi làm từ 21 giờ 30, đến hơn 6 giờ sáng hôm sau mới trở về phòng trọ. Người mệt mỏi, mắt vằn đỏ sau cả đêm thức trắng, nhưng anh vẫn cảm thấy khó ngủ, không tài nào chợp mắt ngay được.  

Quê ở huyện Hạ Hoà, Phú Thọ, sau khi tốt nghiệp cấp III, vì điều kiện gia đình khó khăn, anh Tiến quyết định không tiếp tục học mà xuống Hà Nội làm công nhân. Thuê một căn phòng trọ chật chội, anh bắt đầu chuỗi ngày tha hương kiếm sống.

Tính đến nay, anh đã gắn bó với công ty hiện tại - chuyên sản xuất môtô điện - đã 7 năm.  

Thi thoảng, anh Tạ Văn Tiến mới có thời gian để xem phim giải trí bằng laptop. Ảnh: Tất Thảo 

“Suốt những năm tháng làm công nhân, ở trọ, cuộc sống của tôi hầu như chỉ ăn, ngủ, rồi đi làm, không có thời gian đi đâu cả. Thi thoảng, được ngày nghỉ, tôi về quê, rồi lại bắt đầu “điệp khúc” này”- anh Tiến kể.  

Công ty đang tổ chức làm việc 2 tuần làm ngày, 2 tuần làm đêm. Khi có nhiều việc, hầu như anh Tiến đi làm cả tháng, không có ngày nghỉ cuối tuần; chỉ nghỉ 1 ngày để chuyển ca làm việc.

Hôm nào phải làm tối, không tăng ca, anh phải đi từ 21 giờ 30 để bắt đầu làm việc và trở về phòng trọ vào lúc 6 giờ 30 sáng. Nếu tăng ca, anh phải đi sớm hơn 4 tiếng, tầm 17 giờ 30 tối.  

Những hôm phải đi làm đêm, gần như cả ngày hôm sau anh Tiến ngủ mê mệt để lấy lại sức. Đến khoảng giữa giờ chiều, anh mới dậy, nấu nướng, giặt giũ, ăn uống để chuẩn bị vào ca. Anh không dám đi đâu chơi, bởi nếu như vậy, buổi tối sẽ không thể có sức để làm việc. Còn những khi làm việc ban ngày, chiều tối muộn về, anh chỉ kịp ăn suất cơm bình dân, tắm rửa, rồi lên giường ngủ để sáng hôm sau bắt đầu một vòng quay tương tự.  

Chiếc tủ lạnh hầu như không có thức ăn dự trữ của anh Tiến. Ảnh: Tất Thảo 

Nếu có tăng ca, một tháng, thu nhập của anh Tiến hiện được khoảng 15-17 triệu đồng.

Nhưng, như anh Tiến nói, để có được số tiền này, anh phải đi làm hầu như cả tháng, không nghỉ ngày nào. Với số tiền vất vả mới kiếm được này, anh chi tiêu 5 triệu đồng cho sinh hoạt cá nhân, ăn uống, đi lại; gửi về cho bố mẹ 5 triệu đồng; còn anh dành dụm được khoảng 5 triệu đồng.  

Nhiều năm đi làm, anh Tiến đã mua sắm đầy đủ vật dụng sinh hoạt. Trong căn phòng trọ được thuê với giá 800.000 đồng/tháng, có máy giặt, điều hoà, tủ lạnh.

Không có tivi, nhưng bù lại, anh Tiến còn có một chiếc máy tính để thi thoảng xem phim, nghe nhạc. Đây là chiếc máy tính anh Tiến mua cho chị gái đi học trước đây, sau đó anh lại dùng khi chị không cần đến nữa.  

Cuộc sống trôi qua với điệp khúc buồn tẻ như vậy, nhưng nam công nhân độc thân này không thấy quá buồn. Anh bảo, mình còn trẻ thì cố gắng đi làm để có thể kiếm được nhiều tiền hơn, lo cho bản thân sau này, cũng như giúp đỡ bố mẹ già, em gái ở quê đang trong độ tuổi đi học.  

Khu trọ nơi anh Tiến ở. Ảnh: Tất Thảo 

“Thực lòng, tôi vẫn muốn có một ngày nghỉ trong tuần để giữ gìn, phục hồi sức khoẻ; có thời gian đi mua sắm đồ đạc, giao lưu bạn bè. Nhưng nếu không đi làm nhiều thì sẽ không có thêm tiền để lo cho cuộc sống của mình hiện tại cũng như sau này” - anh Tiến trăn trở.  

Mới 27 tuổi, nhưng anh Tiến đã cảm thấy khá “oải” với khối lượng công việc ở công ty. Anh lo lắng, không biết khi mình ngoài 30 tuổi, liệu có trụ nổi với nghề không? Anh không muốn nghĩ quá xa, bởi bây giờ, thu nhập của anh vẫn khá ổn, trong ngắn hạn, anh vẫn sẽ gắn bó với công việc này, dù rằng nhiều áp lực, mệt mỏi…  

Thu nhập cao hơn ở quê  

Cùng khu trọ với anh Tiến, anh T cũng hầu như chỉ biết đến ăn, ngủ rồi đi làm.

Phòng trọ chật chội của anh T. Ảnh: Tất Thảo 

Phòng trọ của anh T rất chật chội, chỉ khoảng 7-8m2, không có nhà vệ sinh khép kín.

Trong phòng trọ, không có một đồ gì đáng giá, chỉ có những đồ dùng như: Giường, quạt, chăn chiếu, quần áo, chậu, ấm đun nước siêu tốc... Tất cả toát lên vẻ tạm bợ.

“Phòng trọ chỉ là nơi tôi có chỗ ngủ, nghỉ thôi, nên gần như tôi không mua sắm gì cả. Với lại, cũng không có tiền để mua các đồ đạc” - anh T chia sẻ.  

Bên trong phòng trọ của anh T. Ảnh: Tất Thảo 

Để vợ con ở Tuyên Quang, anh T xuống Khu công nghiệp Thăng Long làm công nhân được vài tháng nay. “Lính mới”, nên thu nhập của anh khá thấp. Nếu không tăng ca, anh chỉ được khoảng 6 triệu đồng/tháng; tăng ca thì tăng lên, được 7-8 triệu đồng/tháng.

Thu nhập này khá hơn rất nhiều nếu như anh ở quê. Vì vậy, dù vất vả, cuộc sống lúc nào cũng quay cuồng nơi công xưởng, nhưng anh T vẫn thấy hơn rất nhiều so với ở quê… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn