MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động bị thôi việc tại Công ty CP Liên hợp Thực phẩm. Ảnh: NVCC

Vụ 108 người lao động bị cho thôi việc: Đề nghị DN tiếp tục tổ chức đối thoại với người lao động

ANH THƯ - ĐỖ PHƯƠNG LDO | 09/10/2020 06:49
Liên quan đến vụ việc 108 người lao động (NLĐ) của Công ty Cổ phần Liên hợp Thực phẩm (địa chỉ 267 Quang Trung, quận Hà Đông, TP.Hà Nội) bị thôi việc, cơ quan liên quan đã vào cuộc xử lý.

NLĐ mong muốn có việc làm

Như Báo Lao Động phản ánh, Công ty Cổ phần (Cty CP) Liên hợp Thực phẩm thực hiện thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động (LĐ). Do không thể bố trí việc làm mới, nên Cty phải chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với 108 người.

Sau đó, NLĐ đã có đơn gửi đến các cơ quan chức năng. Ngày 6.10, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) quận Hà Đông tổ chức cuộc họp với đại diện NLĐ, Cty CP Liên hợp Thực phẩm và các ban ngành liên quan.

Theo đó, bà Lưu Thị Thơm (NLĐ có trong danh sách thôi việc) cho biết, NLĐ làm việc tại Cty luôn có ý thức hoàn thành tốt công việc được giao. Việc bị chấm dứt HĐLĐ với 108 NLĐ, đặc biệt NLĐ tuổi không còn trẻ sẽ rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới. Vì vậy, phần lớn NLĐ mong muốn được Cty tiếp tục tạo việc làm.

Tại buổi họp, ông Nguyễn Tuấn Tú - Giám đốc Cty CP Liên hợp Thực phẩm - cho hay, doanh nghiệp (DN) khẳng định đã thực hiện chấm dứt HĐLĐ đối với 108 NLĐ đúng quy trình, quy định của pháp luật. Nếu bố trí được việc làm cho NLĐ thì đã không phải xây dựng phương án thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại LĐ.

Ông Tú nói rằng, mặc dù Cty gặp rất nhiều khó khăn về tình hình tài chính, nhưng vẫn thực hiện đầy đủ các chế độ về lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) cho NLĐ. Mỗi tháng, Cty trung bình chi trả gần 1 tỉ đồng tiền lương và BHXH, tuy nhiên doanh thu từ bia chỉ được vài trăm triệu đồng. Trước tình trạng khó khăn kéo dài, Cty không đủ khả năng tài chính chi trả. Ngoài 108 NLĐ thuộc khối sản xuất phải chấm dứt HĐLĐ, Cty vẫn vận động NLĐ thuộc khối kinh doanh nghỉ.

Bên cạnh đó, Giám đốc Cty CP Liên hợp Thực phẩm cho biết, Cty cam kết toàn bộ quá trình xây dựng phương án thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại LĐ và chế độ đối với NLĐ mất việc làm đều được thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành.

Đề xuất hỗ trợ thêm

Về việc này, đại diện Công đoàn (CĐ) ngành Công Thương Hà Nội cũng chia sẻ tâm tư, tình cảm của NLĐ. Công đoàn cơ sở (CĐCS) nghiên cứu kỹ phương án sử dụng LĐ, Luật LĐ năm 2012, Luật CĐ, Điều lệ CĐ Việt Nam và các văn bản hướng dẫn của Tổng LĐLĐVN để đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động (NSDLĐ) xem xét, giải quyết, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ.

CĐ ngành Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Cty tổ chức nhiều buổi đối thoại với Ban chấp hành CĐCS và NLĐ nhưng NLĐ không đến; đã yêu cầu CĐCS Cty thực hiện quyền thương lượng, đối thoại với NSDLĐ nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Ông Nguyễn Văn Ngọc - chuyên viên Ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ TP.Hà Nội) - cho ý kiến, LĐLĐ TP.Hà Nội khi nhận được đơn thư của NLĐ đã có văn bản đề nghị CĐ ngành Công Thương Hà Nội phối hợp với Cty và NLĐ giải quyết tranh chấp LĐ theo quy định. Nguyện vọng được làm việc tại Cty của NLĐ là chính đáng, thể hiện niềm tin, mong muốn của NLĐ gắn bó dài lâu với Cty.

Đại diện LĐLĐ TP.Hà Nội, mong muốn phía Cty bố trí thêm việc làm cho NLĐ. NLĐ đã nhiều tuổi, rất khó xin việc làm mới. Nếu Cty không bố trí được việc làm cho NLĐ thì Cty đề xuất với Hội đồng quản trị để hỗ trợ thêm cho toàn bộ 108 NLĐ với số tiền 15 triệu đồng/người.

Bên cạnh đó, Phòng LĐTBXH quận Hà Đông còn đề nghị Cty nghiên cứu phương án hỗ trợ thêm đối với NLĐ bị cho thôi việc, đặc biệt với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi và cặp vợ chồng công nhân đồng thời phải chấm dứt HĐLĐ cùng một lúc. Bên cạnh đó, Phòng LĐTBXH quận cũng đề nghị Cty tiếp tục phối hợp với CĐ ngành và các cơ quan liên quan tổ chức đối thoại với NLĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn