MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị chấm dứt hợp đồng, nhiều giáo viên như thầy Dương đành tìm việc phổ thông mưu sinh. Ảnh: PV

Vụ 550 giáo viên Đắk Lắk mất việc: Thầy cô nhọc nhằn mưu sinh

HỮU LONG LDO | 17/08/2018 07:00
Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động dù chưa được ban hành, nhưng đa phần các giáo viên tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đều đoán trước kết quả và đã tìm một công việc khác bên ngoài để mưu sinh.

Làm thuê kiếm sống

Vẫn biết chuyện ngành chức năng chấm dứt hợp đồng đối với các giáo viên là chuyện sớm muộn, nhưng thầy Nguyễn Ánh Dương - giáo viên hợp đồng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai - vẫn còn nhiều trăn trở. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Quy Nhơn, thầy Dương xin về dạy tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Tây Nguyên (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Đến năm 2012, hay tin huyện Krông Pắk tuyển giáo viên, thầy nộp hồ sơ về dạy để được gần nhà. Công việc thuận lợi mãi đến tháng 1.2017, nhà trường thông báo cho nghỉ dạy vì không có tiền trả lương. Thất nghiệp, thầy Dương xoay sở khắp nơi với những công việc phổ thông nặng nhọc. Cũng vì thiếu thốn tứ bề nên gia đình thầy mâu thuẫn và ly hôn.

“Cả cuộc đời cố gắng phấn đầu học hành để được đứng trên bục giảng, không ai nghĩ có lúc “gác xó” tấm bằng đại học để đi lao động phổ thông. Tháng vừa rồi, tôi làm nghề hàn xì kiếm được 800.000 đồng trong khi phải nuôi 3 con nhỏ. Khó khăn chồng chất nên tôi đành vay mượn thêm để sống qua ngày” - thầy Dương nói.

Tương tự, thầy Dư Xuân Sơn - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, xã Vụ Bổn - vào năm 2010, được ký hợp đồng dạy môn tin học. Đầu năm học 2017, thầy Sơn dạy 3 tháng nhưng không được trả lương nên về nhà làm công việc khác kiếm sống và chờ đợi được giải quyết chế độ. Trong thời gian nghỉ việc, thầy Sơn lăn lộn ở các tỉnh trong miền Nam đi phụ hồ. “Mỗi ngày tôi được trả 220.000 đồng, bao cơm trưa. Tôi cố gắng làm một thời gian kiếm chút vốn, về quê làm nghề gì đó kiếm sống chứ giờ đã nhiều tuổi, phụ hồ vất vả nên tôi cũng không thể làm lâu được” - thầy Sơn nói gấp gáp rồi tắt điện thoại khi chúng tôi tìm muốn tìm hiểu về cuộc sống hiện tại.

Giáo viên đồng loạt khởi kiện

Việc huyện Krông Pắk và các trường học trên địa bàn ký hợp đồng với các giáo viên với nội dung “đợi thi tuyển viên chức” ngay từ đầu là không đúng quy định của Bộ Luật Lao động, chính vì vậy nên đã có 5 giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai khởi kiện chủ sử dụng lao động ra TAND huyện Krông Pắk. Ông Lữ Đình Tính - Chánh án TAND huyện Krông Pắk - xác nhận với PV, tòa nhận được đơn khởi kiện của nhóm 5 giáo viên và đang thụ lý hồ sơ, giải quyết theo quy định.

Sau khi tỉnh Đắk Lắk có chủ trương chấm dứt hợp đồng và giải quyết chế độ cho hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk, vừa qua, địa phương này đã phê duyệt đề án giải quyết các vấn đề trên. Theo ông Y Suôn Byă - Chủ tịch UBND huyện Kông Pắk- đề án này đã được các cơ quan của tỉnh thẩm định và huyện đang thực hiện theo đề án. Trước mắt, huyện Krông Pắk sẽ chấm dứt hợp đồng đối với các giáo viên có tham gia thi tuyển đợt vừa qua nhưng không trúng tuyển. Sau đó sẽ chấm dứt hợp đồng lao động đối với số lượng giáo viên không có vị trí việc làm.

Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk - cho biết, chậm nhất, đến tháng 10.2018, địa phương phải buộc thôi việc với 550 giáo viên hợp đồng. “Về việc hỗ trợ cho các giáo viên, theo phương án tỉnh giao về cho huyện, phía Phòng Tài chính sẽ tham mưu vì ngân sách này thuộc địa phương. Việc chấm dứt hợp đồng là thực hiện chỉ đạo từ Thanh tra Chính phủ và UBND huyện đã có thông báo gửi về các đơn vị, các trường, giáo viên để biết về việc này” - bà Trinh nói.

Tỉnh Đắk Lắk có báo cáo về việc thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ về phương án chấm dứt hợp đồng giáo viên dôi dư. Theo báo cáo này, nhóm giáo viên hợp đồng có vị trí xét tuyển sẽ tổ chức rà soát, phân loại hợp đồng và chi trả trợ cấp giáo viên đúng quy định (hoàn thành trong tháng 8.2018). Riêng với nhóm giáo viên hợp đồng không có vị trí xét tuyển, trên cơ sở cân đối ngân sách của huyện, chủ động xây dựng phương án hỗ trợ cho giáo viên để chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định hiện hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn