MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Buổi đối thoại căng thẳng giữa công nhân và chủ doanh nghiệp, các cơ quan chức năng diễn ra ngay tại phân xưởng may. Ảnh: Nhiệt Băng

Vụ gần 300 CN ngừng việc ở Khánh Hòa: Doanh nghiệp có nhiều vi phạm, sai sót

Nhiệt Băng LDO | 30/11/2017 09:29
Liên quan đến vụ việc gần 300 công nhân phân xưởng may của Công ty May mặc TM Mai Lan Anh (tổ dân phố 17, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) ngừng việc tập thể 2 ngày, chiều 29.11, LĐLĐ tỉnh, Sở LĐTBXH, Phòng LĐTBXH thị xã Ninh Hòa... đã làm việc với Ban giám đốc công ty này và đối thoại với người lao động.

Bà Dương Thị Bích Lan - Quản lý điều hành toàn bộ hoạt động tại phân xưởng may - thừa nhận: "Hiện nay, đơn vị mới chỉ ký hợp đồng với 34 lao động, số còn lại vẫn chưa ký". Trong khi đó, tại đây có 279 lao động đang làm việc.

Theo bà Lan, hiện công ty vẫn chưa thực hiện đăng ký để cấp thẻ bảo hiểm mới cho NLĐ. Lý do, theo bà này, là bởi ảnh hưởng của bão số 12 nên bị gián đoạn. "Do hiện nay tay nghề công nhân chưa cao nên đơn vị thực hiện trả lương theo giờ và xếp theo bậc, chưa thực hiện trả lương sản phẩm" - bà Lan nói.

Ông Hứa Văn Nam - Phó Trưởng phòng Tiền lương, BHXH Sở LĐTBXH - cho biết, doanh nghiệp này có nhiều vi phạm như: Chưa thực hiện ký hợp HĐLĐ với NLĐ sau thời gian thử việc; trả lương cho CN thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ (Ninh Hòa thuộc vùng 3 là 2,9 triệu đồng/người/tháng) và 7% đối với LĐ có tay nghề và 25% phụ cấp nghề nặng nhọc, độc hại; chưa báo cáo, đăng ký nội quy LĐ với cơ quan chức năng nơi DN hoạt động…

Đồng quan điểm, ông Bùi Đăng Thành - Trưởng Ban chính sách pháp luật LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa đề nghị, công nhân sau khi hết thời gian thử việc phải ký HĐLĐ theo quy định; trả lương đúng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ; gửi nội quy lao động tại doanh nghiệp cho Phòng LĐTBXH, Sở LĐTBXH theo dõi theo quy định...

"Phát sinh tranh chấp ở đây là bắt nguồn từ thông báo ngày 27.11. Công ty ra thông báo này đơn phương mà không đàm phán, thương lượng với NLĐ nên dẫn đến NLĐ không hiểu, không chia sẻ được với doanh nghiệp. Việc DN bảo không nấu ăn vì ảnh hưởng phòng cháy chữa cháy là không đúng, dễ khiến CN phản ứng" - ông Thành nói.

Sau cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa đã thông báo đến NLĐ: Ngày 30.11, chủ doanh nghiệp phải rà soát, thống nhất tiến hành ký HĐLĐ với NLĐ đã đảm bảo được tay nghề sau khi học việc. Theo ông Hà, Quyết định 153 của Chính phủ đã quy định mức lương tối thiểu vùng ở thị xã Ninh Hòa là 2,9 triệu đồng. Cộng một số khoản liên quan thì tổng tiền lương DN phải trả cho NLĐ là hơn 3,2 triệu đồng.

Ông Hà cũng đề nghị doanh nghiệp, sau 15 ngày thử việc phải ký HĐLĐ với NLĐ chứ không thể để họ chờ, đồng thời cần nghiêm túc thực hiện cho CN nghỉ ngày lễ, tết, phép năm nhưng vẫn được hưởng lương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn