MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ ngộ độc tại Bắc Ninh: Đảm bảo sức khỏe cho người lao động

LƯƠNG HẠNH LDO | 09/03/2023 06:57
TS.BS Nguyễn Đình Trung, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho rằng cần tăng cường hơn nữa cơ sở khám chữa bệnh dành riêng cho người lao động tại các khu công nghiệp. 

Người lao động còn chủ quan

Tháng 8.2020, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) tiếp nhận khám và điều trị cho 7 bệnh nhân bị nhiễm độc thiếc, phần lớn nhiễm độc nặng, trong đó 1 ca tử vong. Đây là những trường hợp nhiễm độc thiếc cấp tính đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện.

Đặc điểm chung của 6 bệnh nhân trên là họ cùng làm việc chung tại bộ phân nghiền nhựa tái chế của một công ty sản xuất mành rèm ở Thanh Miện, Hải Dương.

Mới đây nhất, ngày 2.3.2023, tại Bệnh viện Bạch Mai có 5 công nhân Công ty TNHH HS Tech Vina bị ngộ độc khí methanol đang được điều trị. Trước đó, 1 nữ công nhân tên là Nguyễn Thị H do tiên lượng xấu nên đã được đưa về nhà tại Bắc Ninh và tử vong sau đó.  

Tỉnh táo nhất trong số các công nhân nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, công nhân Nguyễn Tiến Tấn (27 tuổi) cho biết, thời gian vừa qua, công ty đưa máy mới vào để sản xuất.

Đến ngày 28.2, khi đi làm, anh Tấn cảm giác mệt mỏi. Khi đi khám, bác sĩ kết luận bị nhiễm methanol nên cho anh nhập viện luôn để điều trị. Hiện tại, anh cảm thấy sức khỏe đã đỡ hơn, không còn cảm giác chóng mặt như trước.

Công nhân bị nhiễm độc khí methanol được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Anh Thư

TS.BS Nguyễn Đình Trung nhận định người lao động tại các khu công nghiệp đa số làm việc theo ca kíp, không thuận tiện cho việc đi khám sức khỏe, thậm chí là không thông thuộc địa bàn để đi khám bệnh do từ nơi khác đến.

Vì thế, khi có biểu hiện vấn đề sức khỏe, người lao động đa số tự điều trị theo thói quen, theo truyền miệng từ đồng nghiệp, chỉ khi bệnh nặng lên mới đến khám tại các cơ sở y tế.

Hiện các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất dù tập trung đông công nhân nhưng hệ thống tổ chức các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện rất ít; ảnh hưởng lớn đến nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của công nhân lao động.

Ngoài ra, các cơ sở khám sức khỏe định kỳ cho người lao động thường là từ các địa phương khác đến cung cấp dịch vụ và thay đổi theo hằng năm, người lao động sẽ khó được theo dõi liên tục vấn đề sức khỏe của mình.

Cần mở trung tâm y tế cho công nhân

Việc phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại nơi có đông công nhân lao động vừa đáp ứng điều kiện làm việc của công nhân lao động; đồng thời có khả năng giải quyết các thảm họa, sự cố y khoa.

1 trong 7 công nhân Công ty Quảng Phong bị ngộ độc thiếc năm 2020. Ảnh: Mai Thanh

“Cần có một loại hình cơ sở y tế chuyên khoa về y tế lao động có chuyên môn sâu về các bệnh tật có thể phát sinh; chăm sóc sức khỏe ban đầu, giám sát yếu tố có hại trong môi trường lao động.

Nếu đặt được các phòng khám, trung tâm y tế chuyên về khám chữa bệnh của người lao động tại đây sẽ giải quyết được bài toán theo dõi sức khỏe cho người lao động. Người lao động cũng sẽ có thời gian tiếp cận dịch vụ chăm sóc và theo dõi sức khỏe” – ông Trung nhận định.

Ông Trung cũng cho hay chăm sóc sức khỏe người lao động đã được quy định rất cụ thể tại Luật an toàn vệ sinh lao động. 

Theo ông Trung, để người lao động quan tâm đến vấn đề sức khỏe thì các đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan chức năng phải đưa ra được những thông tin cần thiết về vấn đề sức khỏe trong quá trình lao động họ mắc phải. Cần có một chiến lược cụ thể và quy định chung về vấn đề này đối với người lao động và người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, cũng cần phải khuyến khích các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế lao động (trung tâm y tế khu công nghiệp) và phải xác định như một đơn vị công ích chứ không chỉ riêng là đơn vị dịch vụ thuần túy.

Từ đó, mới không xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vụ ngộ độc Methanol tại Bắc Ninh hay vụ ngộ độc thiếc tại Hải Dương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn