MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
7 công nhân Công ty Quảng Phong bị ngộ độc thiếc. Ảnh Mai Thanh

Vụ ngộ độc thiếc ở Hải Dương: Dừng sản xuất bộ phận nghiền liệu

Đặng Luân - Mai Chi LDO | 13/08/2020 19:47

Sau vụ 7 công nhân Công ty Quảng Phong (Hải Dương) bị ngộ độc thiếc, ngày 5.8, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu doanh nghiệp này tạm ngừng sản xuất bộ phận nghiền liệu.

Liên quan đến vụ việc ngộ độc thiếc khiến 6 công nhân nguy kịch, 1 trường hợp tử vong tại Hải Dương, chiều 13.8, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Thanh Miện (Hải Dương) cho biết, 7 trường hợp  bị ngộ độc nói trên đều là công nhân Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam ở cụm công nghiệp Ngũ Hùng - Thanh Giang (Thanh Miện).

Thông tin từ LĐLĐ huyện Thanh Miện cho biết, Công ty Quảng Phong là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Trung Quốc, chuyên sản xuất các loại rèm, ga giường, khăn trải bàn. Mặc dù được xây dựng từ khá lâu nhưng đến cuối năm 2018, công ty mới chính thức hoạt động, hiện tạo việc làm cho hơn 1.000 công nhân, lao động.

Theo ông Tuấn – trước khi xảy ra sự việc, Công ty Quảng Phong là doanh nghiệp thực hiện chưa tốt chính sách pháp luật lao động. Công ty này từng 2 lần xảy ra ngừng việc tập thể. Cụ thể như vụ ngừng việc tháng 2.2019, hàng trăm người lao động ngừng việc yêu cầu công ty thực hiện tăng lương cơ bản; nhiều công nhân đã hết hạn thử việc nhưng chưa được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm; mức trừ tiền chuyên cần cao…

Liên đoàn Lao cũng động huyện gặp nhiều khó khăn trong việc thành lập công đoàn cơ sở tại đây. “Mặc dù Liên đoàn Lao động huyện nhiều lần nhận được phản ánh của người lao động về vi phạm trong chính sách pháp luật lao động của công ty, tuy nhiên, chưa có kiến nghị nào liên quan đến điều kiện làm việc cũng như mất an toàn vệ sinh lao động” – ông Tuấn cho biết.

Vừa qua, sau khi nhận được thông tin 7 công nhân phải nhập viện do ngộ độc thiếc, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Hải Dương làm việc tại doanh nghiệp, quan trắc môi trường tại đây. Đồng thời, đưa người lao động bộ phận nghiền nhựa kiểm tra sức khỏe để đánh giá mức độ ảnh hưởng. Qua kiểm tra, hầu hết lao động tại bộ phận này là lao động mới, chưa ký kết hợp đồng lao động, không có hợp đồng thử việc. Riêng 7 trường hợp bị ngộ độc thiếc mới làm việc chưa đầy 1 tháng.

Ngày 5.8, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty Quảng Phong tạm ngừng sản xuất bộ phận nghiền liệu.

Liên đoàn Lao động huyện Thanh Miện cử đoàn thăm hỏi, động viên người lao động bị ngộ độc thiếc, tặng quà người lao động mức 500.000 đồng/trường hợp.

Trước đó, như Lao Động đưa tin, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) tiếp nhận khám và điều trị cho 7 bệnh nhân bị nhiễm độc thiếc, phần lớn nhiễm độc nặng, trong đó 1 ca tử vong. Tất cả trường hợp đều có nồng độ thiếc trong máu cao, phần lớn cao gấp chục lần ngưỡng cho phép. Đây là những trường hợp nhiễm độc thiếc cấp tính đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện.

Đáng chú ý là trước khi vào làm, tất cả đều khỏe mạnh, sức khỏe hoàn toàn bình thường. Chỉ sau một thời gian ngắn làm việc tại đây (ngắn nhất là 4 ngày, lâu nhất là 1 tháng), các công nhân có chung biểu hiện rối loạn tâm thần, đặc biệt là mất trí nhớ, lú lẫn, rối loạn tâm thần, kích động, hành vi bất thường. Chụp cộng hưởng từ sọ não thấy có tổn thương chất trắng lan tỏa trên não, xét nghiệm máu có nhiễm toan chuyển hóa, hạ kali máu nặng.

Các bệnh nhân nhiễm độc thiếc được phát hiện từ trường hợp anh Nguyễn Đức H (35 tuổi) nhập viện ngày 9.7.2020 với biểu hiện rối loạn tâm thần, kích động, lẫn lộn, sau đó đi vào hôn mê. Trên phim cộng hưởng từ, não có hiện tượng tổn thương chất trắng lan tỏa nặng nề, nhiễm toan chuyển hóa và hạ kali máu nặng. Gia đình và người thân nghĩ đến yếu tố tâm thần.

Bệnh nhân được đưa đến viện muộn khi các yếu tố bệnh chưa rõ ràng, diễn biến nặng và gia đình đã xin về nhà và tử vong sau đó. Khi xét nghiệm mẫu máu còn lưu cho thấy, nồng độ thiếc trong máu cao gấp trên 50 lần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn