MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Chu Hồng Điệp, cán bộ của công ty cổ phần công trình giao thông 116 bị công ty nợ gần 9 năm đóng BHXH. Ảnh Trần Tuấn

Vụ phải cho công ty vay tiền để về hưu: Vì sao không thể xử lý hình sự?

Trần Tuấn LDO | 03/08/2020 17:37

Hiện, Bộ Luật Hình sự quy định về việc xử lý các hành vi trốn đóng BHXH sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vậy tại sao vụ nhiều người lao động phải cho công ty vay hàng trăm triệu để về hưu do Lao Động phản ánh, chủ doanh nghiệp chỉ bị xử phạt hành chính?

Không thể xử lý Hình sự

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, đại diện đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Thanh Xuân giải thích:

"Điều 216, Bộ Luật Hình sự quy định Hành vi gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng, hoặc không đóng đầy đủ tiền BHXH từ 6 tháng trở lên có thể bị xử lý Hình sự. 

Tuy vậy, căn cứ theo Hồ sơ mà BHXH Hà Nội cung cấp, phía công ty Cổ phần Công trình giao thông 116 (Công ty 116) chỉ bị xử phạt 3 lần về hành chính vì chậm đóng. Trong khi đó, hành vi gian dối được hiểu là: kê khai sai lệch số lượng nhân công, kê khai sai lệch số tiền lương thực lĩnh của lao động để giảm số tiền đóng BHXH...".

Liên ngành Hà Nội làm việc với các doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài (trong đó có công ty 116) trước khi chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an vào tháng 12.2019. Ảnh: BHXH Hà Nội.

Đại diện đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Thanh Xuân cho biết, đây là các kết luận ban đầu về vụ việc, đơn vị này vẫn đang tiếp tục tiến hành các bước để điều tra. Sau khi có kết luận cuối cùng sẽ gửi văn bản đến Công an Hà Nội và BHXH Hà Nội theo đúng quy định.

Hành vi trốn đóng BHXH chủ yếu diễn ra trước 1.1.2018

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động về thông tin "không thể xử lý Hình sự vụ phải cho công ty vay hàng trăm triệu để về hưu" mà chúng tôi đã phản ánh, ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội nói, "có những cái khó nên chưa thể xử lý dứt điểm".

Cụ thể, theo ông Thuật, Hội đồng Thẩm phán tối cao đã ban hành Nghị quyết 05 hướng dẫn áp dụng Ðiều 214, Ðiều 215, Ðiều 216 Bộ luật Hình sự. Nghị quyết 05, với quan điểm không hồi tố, quy định: các hành vi trốn đóng BHXH trước 0h ngày 1.1.2018 (thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực) không xử lý về hình sự, mà chỉ xử phạt hành chính.

"Cái khó là thiệt hại của người lao động của công ty 116 chủ yếu xảy ra trước thời điểm Nghị quyết 05 có hiệu lực. Sau ngày 1.1.2018, công ty này có rất ít lao động, vì vậy  số tiền nợ BHXH từ thời điểm đó đến nay chưa nhiều đến mức phải xử lý hình sự", Phó giám đốc BHXH Hà Nội nói.

Ông Đặng Văn Quang (phải) cho công ty 116 mượn 194 triệu để tất toán BHXH nhưng chưa đòi lại được. Ảnh: Trần Tuấn

Ông Thuật cũng cho biết, đó có thể là kẽ hở, các chủ doanh nghiệp đã nghiên cứu rất kỹ, phần thiệt thòi người lao động phải gánh chịu.

Trước đó, Lao Động đã đăng tải loạt bài: Kỳ lạ chuyện phải cho công ty vay hàng trăm triệu đồng để được...về hưu, phản ánh câu chuyện nhiều công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần công trình giao thông 116 (521 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) đủ tuổi về hưu theo quy định nhưng không thể hoàn thiện hồ sơ để về hưu do công ty nợ BHXH số tiền hơn 16 tỉ đồng.

Để được về hưu, nhiều cán bộ của công ty phải cho công ty vay số tiền hàng trăm triệu đồng để tất toán cho BHXH nhưng đến nay, sau nhiều năm vẫn chưa được công ty trả lại, khiến cuộc sống nhiều người rơi vào cảnh túng quẫn, đi làm bảo vệ, bán trà đá mưu sinh.

Trao đổi với PV Lao Động thời điểm đó, đại diện BHXH Hà Nội cho biết, hồ sơ về hành vi nợ đọng BHXH kéo dài của công ty 116 và 3 doanh nghiệp khác tại Hà Nội đã được chuyển sang cho Công an Hà Nội để điều tra từ thời điểm tháng 12.2019, sau đó Công an Hà Nội đã giao cho công an quận, huyện trực tiếp xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn