MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).Ảnh: PV

Vụ Quỹ TDND Cẩm Bình không nhận người LĐ trở lại làm việc: “Vụ án kéo dài 5-10 năm, chúng tôi không biết”

QUANG ĐẠI - TRẦN LƯU LDO | 04/06/2018 08:10

Liên quan đến bài viết “Quỹ tín dụng nhân dân xã Cẩm Bình (Hà Tĩnh): Thua kiện, vẫn không nhận người lao động trở lại làm việc” (Lao Động ngày 22.5.2018), PV Báo Lao Động đã có trao đổi với ông Nguyễn Hữu Cương - Trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). Ông Cương nói: “Vụ án kéo dài 5- 10 năm chúng tôi không biết”.

Ông Cương nói: “Tôi đã giao cho anh em về phối hợp với Bí thư, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình sang làm việc với quỹ tín dụng rồi, đã giao trách nhiệm và họ đã chấp nhận nhận người lao động trở lại làm việc. Vì quỹ tín dụng thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Nhưng họ không thể bố trí đúng chức danh thủ quỹ vì quá trình làm việc, phần nào có lỗi của người vi phạm nên mới sinh ra kiện cáo”. PV hỏi tại sao không xử phạt hành chính về hành vi chậm thi hành án, ông Cương trả lời đại ý “phạt hành chính được vài triệu bạc ăn thua chi” và hiện tượng này là phổ biến. Còn cưỡng chế thì ông Cương cho rằng, quỹ tín dụng không có tài sản.

PV hỏi Quỹ tín dụng nhân dân xã Cẩm Bình không cam kết thời gian thực hiện, vậy họ cứ kéo dài mãi, 5-10 năm thì xử lý ra sao, chẳng lẽ cơ quan chức năng bó tay (?). “Không bó tay cũng khó, phải từng bước, phối hợp các tổ chức, vận dụng, vận động, chúng tôi đã làm hết trách nhiệm rồi. Còn việc bố trí như thế nào là quyền của họ, chúng tôi chỉ đến mức độ đó thôi. Còn kéo dài 5 năm, 10 năm, cái đó chúng tôi không biết, vì họ đã ký rồi, văn bản chấp nhận nhận người rồi, xong hồ sơ rồi, chúng tôi không có quyền bắt họ được” - ông Cương nói.

Còn về việc khởi tố, ông Cương cho rằng, không thể khởi tố do không có quy định khởi tố tổ chức và do án dân sự khó. Ông Cương cũng cho hay, cơ quan thi hành án không có gì sai cả. PV chất vấn, tại sao đủ điều kiện xử phạt hành chính nhưng Chi cục Thi hành án dân sự huyện không làm, ông Cương lại nói: “Cái đó hỏi chấp hành viên”.

Trong khi đó, ông Đặng Quốc Hải - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình - nêu quan điểm: “Tôi đã trao đổi với cán bộ thi hành án huyện là đã có bản án của tòa, nhiệm vụ các anh phải thực hiện bản án đó, còn nếu họ không thực hiện thì các anh xử lý theo pháp luật, báo cáo cơ quan chức năng. Còn xã không thể can thiệp”.

Về vụ việc này, Luật sư Lương Hữu Bàng - Đoàn Luật sư Hà Nội - cho biết, theo Điều 121, Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định về “Cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc”: Trường hợp người sử dụng lao động không nhận người lao động trở lại làm việc theo bản án, quyết định thì chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 10 ngày, kể từ ngày phạt tiền để nhận người lao động trở lại làm việc. Hết thời hạn đã ấn định mà người sử dụng lao động không thực hiện thì chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.

Trường hợp không thể bố trí người lao động trở lại làm công việc theo nội dung bản án, quyết định thì người sử dụng lao động phải bố trí công việc khác với mức tiền lương tương đương theo quy định của pháp luật lao động. Người sử dụng lao động phải thanh toán cho người lao động khoản tiền lương trong thời gian chưa bố trí được công việc theo bản án, quyết định, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi người lao động được nhận trở lại làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn