MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tầng hầm của chung cư CT1A (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) đóng cửa, cư dân không được gửi xe tại đây. Ảnh: Quế Chi

Vụ thang máy khu nhà ở công nhân (Đông Anh, HN): Nhà ở công nhân bị bỏ mặc?

Quế Chi LDO | 15/02/2022 13:28
Không chỉ thang máy dừng hoạt động, một số hạng mục, dịch vụ tại toà nhà CT1A trong tình trạng xuống cấp khiến cư dân tại đây bức xúc.

Có tầng hầm nhưng không được gửi xe  

Theo quan sát thực tế của phóng viên sáng 14.2, tầng hầm của chung cư CT1A đang “cửa đóng then cài”, cư dân không được gửi xe tại đây, phải gửi sang toà CT3, cách đó khoảng 300 mét. 

Anh D. (cư dân thuê ở tầng 12) cho biết, 2 năm trở lại đây, cư dân không được gửi xe máy tại tầng hầm vì lý do không đảm bảo phòng cháy chữa cháy.

“Toà nhà có tầng hầm nhưng lại phải gửi xe ở nhà khác. Dù số tiền gửi nơi mới cũng là 50.000 đồng/xe/tháng, nhưng những hôm trời mưa gió, đi lại rất bất tiện” - anh D. chia sẻ.  Anh D. còn phản ánh, nhà tắm khó thoát nước, khiến tường bị ẩm mốc.

“Hôm trước, họng rác của tầng bị hỏng, người dân phải tự sửa chữa để khắc phục mùi hôi thối. Bóng đèn ở hành lang nếu bị cháy thì chẳng bao giờ thấy Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội đến thay cho mình, cư dân phải tự thay” - anh D. cho hay và than thở: “Mình thuê được nhà ở xã hội được ở như vậy là tốt rồi, nhưng có một số hạng mục xuống cấp nhanh quá”.  

Một cư dân khác sống ở tầng 5 cho biết, tình trạng tường bong tróc rất nhiều; một vài cửa thoát hiểm không kín, rỉ sét.

“Trong khu nhà tắm rất ẩm thấp, có nhà bị rơi cả bình nóng lạnh xuống. Mặc dù xuống cấp nghiêm trọng như vậy, nhưng đợt tôi mới vào ở người bên xí nghiệp có vào trát lại, nhưng hơn 1 năm trở lại, nếu xuống cấp thì dân phải tự bỏ tiền ra sửa” - người này phản ánh.

Về vấn đề tầng hầm đang phải đóng cửa, ông Phạm Hoàng Hải - Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội - cho biết, trước đây, tầng hầm theo thiết kế cũ không đạt tiêu chuẩn về phòng cháy nên bên công an tạm phong toả từ năm trước. 

“Hiện nay, xí nghiệp đã khắc phục (xây một bức tường để chắn khói), đang mời bên phòng cháy vào nghiệm thu, nhưng chưa sắp xếp được lịch. Khi nào nghiệm thu xong thì xí nghiệp sẽ gỡ phong toả để cho người dân gửi xe” - ông Hải thông tin.  

Mối lo về hệ thống phòng cháy chữa cháy  

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay cả trong các văn bản của Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội gửi lên Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cũng phản ánh sự xuống cấp, hư hỏng của một số hạng mục, dịch vụ tại toà nhà này.  

Văn bản số 90 ngày 25.1.2022 của xí nghiệp gửi công ty cho biết, hiện tại, hệ thống phòng cháy chữa cháy khu nhà chưa được bảo dưỡng định kỳ theo quy định, đăc biệt là hệ thống phòng cháy chữa cháy của 4 đơn nguyên nhà 15 tầng.

Đường ống cấp nước cứu hoả bằng kẽm tại các khối nhà 5 tầng xuống cấp rất nặng và bị bục thủng rất nhiều gây thấm ngấm, ẩm mốc ra tường rất nặng, trong đó có đường ống cấp nước cứu hoả trên mái nhà NO.01 (ĐN3,4,5) và đường ống cứu hoả dưới nền nhà (ĐN1,2,6) đang bị bục vỡ nhiều chỗ gây thất thoát nước nên xí nghiệp phải tạm khoá lại, do vậy không đảm bảo cho hệ thống phòng cháy chữa cháy khu nhà. 

Đến ngày 10.2.2022, xí nghiệp lại có Văn bản số 106 gửi công ty, theo đó, cho biết, đến nay, các hư hỏng của thệ thống thang máy, phòng cháy chữa cháy, máy bơm nước vẫn chưa được sửa chữa, thay thế, gây bức xúc cho các đơn vị và người thuê nhà.

Đối với hệ thống phòng cháy chữa cháy, xí nghiệp nhắc lại nội dung báo cáo trong văn bản số 90 và đề xuất cho thực hiện ngay công tác bảo dưỡng định kỳ đối với hệ thống phòng cháy chữa cháy toàn khu nhà, đồng thời cho sửa chữa ngay đường ống cấp nước cứu hoả bằng kẽm tại các khối nhà 5 tầng bị bục, vỡ, xuống cấp nghiêm trọng, điển hình như đường ống cấp nước cứu hoả trên mái nhà NO.01 (ĐN3,4,5) và đường ống cứu hoả dưới nền nhà xe (ĐN 1,2,6) bị bục, thủng nhiều chỗ.

Liên quan đến vụ việc thang máy toà nhà CT1A dừng hoạt động trong thời gian dài, khi phóng viên đặt câu hỏi, có phải vì là nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội nên không được coi trọng, không kịp thời sửa chữa, ông Phạm Hoàng Hải - Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội - cho biết: “Với trách nhiệm là đơn vị quản lý vận hành trực tiếp, có hư hỏng gì thì xí nghiệp báo ngay, làm sao thuận tiện trong việc quản lý; còn do cơ chế, các cấp khác thì mình không biết làm thế nào bây giờ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn