MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Lưu Hữu Tuyến một mình trong căn phòng trọ, trong khi vợ con đang ở quê. Ảnh: Bảo Hân.

Vừa bình phục sau tai nạn, nam công nhân lại bị giảm thu nhập do COVID-19

Bảo Hân LDO | 06/07/2020 15:20
Sau 2 tháng nghỉ làm vì tai nạn giao thông, anh Lưu Hữu Tuyến trở lại công ty thì gặp ngay giai đoạn việc làm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giảm thu nhập

Tuần qua, tôi ghé qua một dãy nhà trọ công nhân tại thôn Võng La (huyện Đông Anh, Hà Nội). Dãy trọ này gồm hơn 10 phòng, hầu hết đều đóng cửa im ỉm, chỉ duy nhất một phòng còn đang mở cửa. Đây là căn phòng anh Lưu Hữu Tuyến, quê Tuyên Quang đang thuê trọ. Anh Tuyến làm công nhân đã 4 năm nay tại một công ty chuyên sản xuất linh kiện ôtô của khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội).

Lúc tôi gõ cửa phòng, anh Tuyến – sau khi đi làm về - đang cởi trần vì trời nắng nóng, nằm dài ra giường chơi game giải trí. 

Thấy khách lạ đến, anh Tuyến ngồi dậy tiếp chuyện. Khi được hỏi về thu nhập của mình, anh Tuyến kể, trước khi xảy ra dịch COVID-19, anh thường làm thêm (2-3 giờ/ngày) để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19 nên tháng 6, công ty cho công nhân nghỉ luôn phiên, hưởng 70% lương. Tháng 7 này, lượng hàng có tăng hơn nên không phải nghỉ luôn phiên, mà chỉ không làm thêm giờ.

“Trước đây, tổng thu nhập một tháng của tôi là 8 triệu đồng/tháng; vợ tôi có thu nhập bình quân là 6 triệu đồng/tháng. Hiện tại, mức thu nhập của tôi giảm xuống còn 6 triệu đồng/tháng” – anh Tuyến nói. 

Trước đây, vợ chồng anh và con lớn (2 tuổi) ở cùng nhau tại nhà trọ của xã Võng La (huyện Đông Anh, Hà Nội). Từ tháng 3, khi chuẩn bị sinh cháu thứ 2, vợ anh về Tuyên Quang, còn anh ở lại phòng trọ một mình. Cứ cuối tuần, anh lại về quê thăm vợ con, thường thường là bằng xe máy, vì theo anh, đi bằng phương tiện này tiện lợi hơn, không phải bắt nhiều chặng xe ôm như khi đi bằng xe khách. 

Trong một lần đi xe máy về quê như vậy, anh đã bị tai nạn. “Hôm đấy, sau khi kết thúc làm ca về, dù hơi mệt mỏi nhưng tôi vẫn cố gắng đi xe máy về quê. Trên đường về, đoạn qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc, tôi buồn ngủ quá nên ngã xuống đường, bị gãy tay. Rất may, không có xe ôtô tông vào sau, nếu không, không biết chuyện gì đã xảy ra.

Người đi đường thấy vậy đã giúp đỡ để tôi vào bệnh viện ở Vĩnh Phúc chữa trị. Tôi nằm viện mất nửa tháng và nghỉ làm đến 2 tháng trời, chi phí chữa trị hết khoảng 10 triệu đồng”- anh Tuyến kể lại.

Thế nhưng, sau khi bình phục, đi làm trở lại, anh Tuyến vẫn chọn xe máy là phương tiện đi về quê vì vừa ít chi phí lại vừa tiện lợi, mặc dù độ an toàn không cao bằng đi xe khách. 

Vừa trở lại làm việc, thu nhập giảm so với trước, vợ đang nghỉ thai sản, nên cuộc sống của cả gia đình anh thêm khó khăn. Ngoài những khoản tiền phải trả hàng tháng cho cuộc sống thuê trọ, như: Tiền phòng (700.000 đồng/tháng); tiền điện, nước (1-1,2 triệu đồng/tháng); tiền ăn uống, chi phí đi lại,…, anh Tuyến luôn cố gắng dành dụm để gửi tiền về mua sữa cho các con. Sắp tới, khi vợ hết thời gian nghỉ thai sản, anh sẽ đón 3 mẹ con lên ở cùng. Do không thể xoay xở trông, đón con, nên anh sẽ phải nhờ mẹ lên ở cùng để giúp đỡ.

“Mới hình dung ra cũng biết là sẽ rất khó khăn, vất vả, nhưng phải cố gắng để vượt qua thôi”- anh Tuyến nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn