MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vựa ớt xuất khẩu ở huyện Cư M'gar có quy mô rộng 120ha, đang tạo cộng ăn việc làm cho khoảng 400 lao động địa phương. Ảnh: Phan Tuấn

Vựa ớt lớn nhất Đắk Lắk tạo việc làm cho hàng trăm lao động

Phan Tuấn LDO | 18/04/2022 16:46

Đắk Lắk - Hơn 1 năm nay, vựa ớt cay xuất khẩu lớn nhất tỉnh Đắk Lắk của anh Châu Ngọc Bình (ở xã Ea Kpam, huyện Cư M'gar) đã tạo công ăn việc làm thời vụ, thường xuyên cho hơn 400 lao động địa phương với mức thu nhập khá hàng tháng.

Vựa ớt cay xuất khẩu rộng 120ha

Hơn 1 năm nay, ở anh Châu Ngọc Bình từ thành phố Hồ Chí Minh đã lên Đắk Lắk để thuê 120ha đất ở xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar để triển khai mô hình trồng ớt, phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Nhờ có sự liên kết bài bản từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nên mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho anh Bình.

Theo anh Bình, đầu năm 2021, sau khi tìm được các đối tác liên kết sản xuất, anh Bình mạnh dạn đi thuê đất để trồng ớt cay xuất khẩu. Địa điểm anh Bình lựa chọn là xã Ea Kpam, ở huyện Cư M’ga vì nơi đây có thổ nhưỡng phù hợp, đất thoát nước tốt, kín gió và tránh được mưa bão.

Cũng theo anh Bình, trước khi trồng ớt, đất phải được cày xới tơi xốp, phơi từ 10-15 ngày và làm cỏ sạch, bón lót phân. Trong quá trình trồng ớt, người trồng phải thường xuyên chăm bón, tưới và phòng bệnh cho cây ớt.

Ớt trồng được khoảng 45 ngày tuổi sẽ đâm nụ, kết trái. Sau khi ớt đậu quả thì hoa và nụ trên cây phải được hái bỏ đi để cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi quả ớt đã đậu nhanh to và chín sớm.

“Địa điểm trồng ớt phải thường xuyên thay đổi bởi nếu trồng 2 vụ liên tiếp trên cùng một diện tích thì năng suất ớt sẽ giảm. Vì vậy, tôi đã xen canh trồng 1 vụ bắp Mỹ và 1 vụ ớt. Tất cả loại cây trồng này đều phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia… nên có đầu ra và thu nhập ổn định” - anh Bình cho biết.

Nhiều lao động ở xã Ea Kpam đã tìm kiếm được công ăn việc làm và có mức thu nhập khá ngay tại địa phương. Ảnh: Phan Tuấn

Nhiều lao động địa phương có việc làm

Ông Trần Anh Thái - Chủ tịch UBND xã Ea Kpam - cho hay, từ khi vựa ớt lớn nhất Đắk Lắk đi vào sản xuất thì có hàng trăm lao động địa phương ở huyện Cư M’gar đã tìm kiếm được công ăn việc làm thường xuyên và thời vụ với mức thu nhập tương đối khá. Địa phương rất phấn khởi khi có nhiều lao động phổ thông đã được giải quyết công ăn việc làm ngay tại quê nhà.

Đơn cử như anh Hoàng Đình Bình (ở xã Ea Kpam), gia đình không có nhiều vườn rẫy.  Thế nên, hàng ngày, anh Bình đã gặp nhiều khó khăn trong khâu giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập bền vững.

“Khi ở địa phương có trang trại trồng ớt lớn, cần nhiều lao động phổ thông thì tôi lập tức đến đây liên hệ để xin việc. Từ khi được nhận vào làm việc, tôi được chủ vựa ớt trả lương ổn định 9 triệu đồng/tháng và còn được bao ăn, bao ở thoải mái. Thật sự, tôi rất vui khi kiếm được công ăn việc làm ở gần nhà với mức thu nhập khá hàng tháng” - anh Bình chia sẻ.

Tương tự, chị Hiam Ajun - một lao động khác - cũng hết sức phấn khởi khi tìm kiếm được việc làm thời vụ ở gần nhà. Theo chị Ajun, mùa này, gia đình chị không vướng bận việc nương rẫy nên đã đến vựa ớt này để xin làm việc thời vụ. Trước đây, chị Hiam Ajun tìm công việc ở gần nhà rất khó khăn do người dân ở trong vùng không có nhiều nhu cầu.

“Sau khi vựa ớt lớn nhất tỉnh Đắk Lắk đi vào sản xuất, những ngày rảnh rỗi, tôi đến đây xin làm công để có thu nhập thời vụ. Ở đây, chủ vựa ớt trả công lao động 5.000 đồng/kg. Với sức trẻ của mình, tôi hái bình quân mỗi ngày được khoảng 40-50kg và có mức thu nhập  hơn 200.000 đồng/ngày nên bản thân cảm thấy rất phấn khởi” - chị Ajun cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn