MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dây chuyền may của Công ty CP Việt Hưng (Quận 12, TPHCM) được kê lại bảo đảm khoảng cách giữa 2 công nhân đạt 2m. Ảnh: Nam Dương

Vừa sản xuất, vừa đảm bảo an toàn cho người lao động

Nam Dương LDO | 11/04/2020 07:35
Hiện hầu hết doanh nghiệp đều cố gắng thực hiện tối đa các biện pháp phòng chống dịch và bảo đảm an toàn cho người lao động. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày sử dụng đông lao động, việc vừa sản xuất vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động là điều khó khả thi..

Chủ động giãn cách người lao động tại doanh nghiệp

Theo khảo sát của phóng viên về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Bộ 10 chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus SASR-CoV-2 tại doanh nghiệp (DN) do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM ban hành cho thấy thực trạng trên.

Cụ thể, như chỉ số thành phần số 10 đánh giá về độ rủi ro lây nhiễm virus SASR-CoV-2 do TPHCM áp dụng, nếu DN có làm ca đêm mặc nhiên sẽ bị chấm mức độ rủi ro cao nhất là 10 điểm, mà không cần biết có bao nhiều người làm ca đêm. Hay như chỉ số thành phần số 1, bất cứ DN nào có từ 5.000 lao động trở lên làm việc tập trung cũng bị đánh giá mức độ rủi ro cao nhất là 10 điểm. Chính vì thế, hầu hết DN hiện nay tại TPHCM đều tăng cường thực hiện các biện pháp phòng dịch cho người lao động (NLĐ) như trang bị khẩu trang cho NLĐ, bố trí xà phòng, nước diệt khuẩn tại nơi làm việc, nhà ăn, nhà vệ sinh, cố gắng giữ khoảng cách an toàn 2m khi không làm việc trên dây chuyền… để đạt thang điểm mức độ rủi ro thấp nhằm bù trừ lại điểm cho các chỉ số thành phần nêu trên.

Bên cạnh đó, DN cũng chủ động giãn cách NLĐ theo những biện pháp có thể. Ông Nguyễn Thanh An - Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty (Cty) Samho Việt Nam (Củ Chi, TPHCM), có hơn 11.000 lao động - cho biết, từ nhiều ngày qua, Cty thay vì nấu cơm cho tất cả công nhân ăn tại nhà ăn như trước đây, thì đã đưa vào thực đơn phần ăn nhanh như bánh mì thịt, bánh mì sữa để công nhân lựa chọn. Trung bình mỗi ngày có từ 2.000 - 2.500 CN chọn ăn bánh mì thay vì ăn cơm cũng góp phần làm giảm mật độ NLĐ tại nhà ăn.

Còn Cty Cổ Phần Việt Hưng chủ động bố trí giãn cách 2m giữa hai người may trên dây chuyền thủ công. Còn các chuyền tự động đã bảo đảm khoảng cách này.

Khó bảo đảm mức độ an toàn lý tưởng

Tuy nhiên, có một thực tế là hầu hết DN đều cho rằng, do tính chất sản xuất dây chuyền đã được tối ưu hóa và thường là cố định, nên rất khó để bảo đảm 100% khoảng cách giữa hai người làm trên dây chuyền đạt được mức độ an toàn lý tưởng 2m.

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch CĐ Cty Hansae Việt Nam - DN có 11.000 lao động - băn khoăn: “Chỉ số thành phần số 2 về mật độ lao động cần phải được hướng dẫn rõ ràng hơn. Cụ thể, nếu lấy diện tích xây dựng của DN chia đều cho số lượng NLĐ làm việc tập trung thì có khi đạt. Nhưng thực tế trong DN, có bộ phận làm việc ít người và bộ phận làm việc đông người, nhất là trên dây chuyền may. Nếu áp dụng “cứng” bộ chỉ số trên, có lẽ nhiều DN phải cắt giảm lao động hoặc cho làm việc luân phiên, như thế cũng ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của DN và an sinh xã hội”.

Cùng băn khoăn trên, ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐ Cty PouYuen Việt Nam (tại Bình Tân, TPHCM, có 62.000 lao động) - cho hay, sau khi được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM kiểm tra, giám sát và khuyến cáo việc thực thi, chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, Cty đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường bảo vệ sức khỏe của NLĐ. Tuy nhiên, “Với lực lượng lao động quá đông, không thể tránh khỏi những trường hợp NLĐ thiếu ý thức phòng chống dịch. CĐCS cũng sẽ yêu cầu các cán bộ CĐ tại phân xưởng nghiêm túc nhắc nhở NLĐ thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm” - ông Nghiệp nói.

Cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch tại nơi làm việc

* Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh: Chỉ thị 16 đã nêu rõ về việc hoạt động tại các nhà máy, cơ sở sản xuất phải đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, những người đứng đầu, người phụ trách cũng phải đảm bảo an toàn về vấn đề phòng chống dịch bệnh cho các công nhân, đảm bảo vấn đề an toàn về đeo khẩu trang, khử trùng, tránh để xảy ra dịch bệnh. Việc này nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh từ những người đứng đầu trong việc tổ chức, triển khai, tránh những biểu hiện chủ quan, lơ là, tránh những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

* Đại biểu Đinh Duy Vuợt - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH Gia Lai, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho rằng, công nhân, người lao động cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch tại nơi làm việc theo quy định. Đồng thời, công nhân cũng phải đảm bảo an toàn cho chính mình tại những nơi ngoài phân xưởng, khai báo y tế, lịch sử đi lại một cách trung thực để cơ quan, đơn vị nắm được và có phương án phòng, chống dịch bệnh.

* Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình: Trong Chỉ thị số 16 quy định rõ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức làm việc tại nhà phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Như vậy, có những việc làm cần thiết có thời hiệu, thời hạn thì họ vẫn phải làm. Để đảm bảo sản xuất cũng như an toàn cho công nhân, người quản lý, người đứng đầu công ty, đơn vị sản xuất kinh doanh phải thực hiện đúng, đầy đủ và nghiêm các biện pháp nói trên chứ cũng không còn biện pháp nào khác. Bởi lẽ, có những công ty không thể cho công nhân làm việc ở nhà được. Việc làm ở nhà là tùy theo lĩnh vực để bố trí làm. VƯƠNG TRẦN - CAO NGUYÊN

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn