MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hầu hết công nhân ủng hộ việc tăng ca để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Ảnh: Phương Ngân

Vui, vì được tăng ca

Phương Ngân LDO | 26/03/2022 14:00
Nhiều công nhân phấn khởi khi hay tin Nghị quyết tăng giờ làm thêm được thông qua.

“Mới đây đọc báo thấy được tăng ca 60h/tháng công nhân công ty tôi ai cũng vui mừng vì sẽ có thêm tiền” - chị Lâm Thị Bích Hạnh, công nhân Công ty Pouyuen phấn khởi nói.

Vợ chồng chị Hạnh và 2 con rời quê Bạc Liêu lên TPHCM sinh sống và làm việc đã 9 năm nay. Cách đây mấy năm chồng chị đi làm gặp tai nạn mất một bên tay, giờ chỉ làm bảo vệ, lương tháng không nhiều. Chị Hạnh làm công nhân đã 9 năm nay nhưng nếu không tăng ca chỉ nhận được 7,4 triệu đồng/tháng, với mức lương này chỉ đủ để lo cho 2 đứa con ăn học, chưa tính nhiều chi phí khác. “Nếu được tăng ca thêm nhiều giờ hơn thì tôi sẽ kiếm được thêm tiền, không phải đi làm thêm ở bên ngoài nữa” - chị Hạnh bộc bạch.

Cách phòng trọ chị Hạnh không xa, chị Hoàng Thị Oanh, 40 tuổi, quê ở Thái Bình. Chị Oanh chia sẻ: “Đi làm công nhân ai cũng mong muốn được tăng ca để có thêm tiền, nay nghe được tăng giờ làm thêm tôi thấy rất mừng vì như thế cuộc sống sẽ thoải mái hơn”.

“Tôi làm ở Công ty Freetrend, từ sau Tết đến nay công ty tôi không tăng ca. Lương không tăng ca chỉ được hơn 5 triệu đồng/tháng, trong khi tiền trọ 1,5 triệu đồng, tiền gửi 2 đứa con 3 triệu đồng, chưa kể tiền ăn uống, thuốc men thì tiền lương không thấm vào đâu. Mong rằng chúng tôi sẽ sớm được tăng ca trở lại để có tiền trang trải cuộc sống” - chị Nguyễn Thị Hảo, quê Nghệ An ngồi trước phòng trọ tại phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức tính toán.

Căn nhà trọ tại phường Linh Xuân, TP.Thủ Đức là nơi sinh sống của hai vợ chồng chị Huỳnh Tú Trinh, công nhân Công ty Freetrend, KCX Linh Trung II cùng hai con, đứa con nhỏ học lớp 4, đứa con lớn học lớp 11. Chị mong muốn đi làm được tăng ca để có tiền lo cho con ăn học. “Hy vọng sắp tới công ty sẽ được tăng ca trở lại để tôi có tiền lo cho các con. Đời mình đã khổ không được ăn học thì mình phải cố gắng lo cho con ăn học tới nơi tới chốn để sau này nó không khổ như mình” - chị Trinh phân trần.

Đa số công nhân đều mong muốn được tăng giờ làm thêm để thu nhập có thể cân bằng cuộc sống nhưng đó không phải là giải pháp duy nhất và lâu dài, bởi lẽ công nhân cũng cần có thời gian để tái tạo sức lao động. “Về lâu dài cần phải có giải pháp nào đó để cải thiện thu nhập của công nhân hoặc tăng mức lương tối thiểu để có thể đảm bảo được đời sống của công nhân, lao động trong bối cảnh vật giá liên tục tăng cao như hiện nay” - chị Trinh nói.

TS Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN): Việc nới trần làm thêm trong tháng là trên tinh thần chung tay, chung sức với Chính phủ, doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo tôi, đây chỉ là giải pháp tạm thời, ngắn hạn, không kéo dài quá 12 tháng; về lâu dài phải theo hướng tiến bộ và bền vững là giảm giờ làm việc. Giảm giờ làm là xu hướng chung của quốc tế, phù hợp với các điều kiện, điều khoản khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại, các công ước quốc tế về lao động. Xu hướng giảm giờ làm mới góp phần tăng năng suất lao động, khiến doanh nghiệp đầu tư về công nghệ, kỹ thuật để sản lượng được nhiều hơn.  Bảo Hân (ghi)


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn