MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đang mang bầu ở tuần 34, chị Phương khá lo lắng về thời điểm "vượt cạn". Ảnh: NVCC

Vượt cạn một mình, mẹ công nhân định gọi con là… rô na

Bảo Hân LDO | 08/06/2021 10:47
Gần đến ngày sinh nhưng bị mắc kẹt trong vùng bị phong toả tại Bắc Giang, không người thân bên cạnh, nữ công nhân chỉ còn biết trông chờ vào sự hỗ trợ của chủ nhà trọ để giúp “vượt cạn”.

"Bầu 34 tuần, trọ 1 mình tại thôn Trung, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Sáng nay ra xã xin giấy để về quê Hà Tĩnh vì cũng sắp sinh đến nơi, đường xa. Họ hỏi làm công ty nào? Bảo làm Công ty Luxshare. Họ nói: Vậy chắc chắn không được về đâu. Với công ty đó bây giờ cấm công nhân ra khỏi nhà trọ, sao em ra đây. Nói em không nhận được quyết định không cho ra. Họ lại nói: Chắc nhiều quá chưa phát đến nơi. Nghe xong chảy nước mắt".

Đó là những dòng tâm sự trên Facebook của chị Đỗ Thị Phương, nữ công nhân đang sống trong vùng phong toả. Những dòng tâm sự đầy lo lắng của chị Phương đã thu hút khá nhiều lượt bình luận, trong đó hầu hết đều động viên chị cố gắng, vượt qua thời gian khó khăn này.

Quê ở Hà Tĩnh, chị Phương ra Bắc Giang làm công nhân được gần 2 năm nay. Chồng và 2 con lớn đều ở quê, còn chị mang bầu cháu thứ 3, thuê nhà trọ, tha hương mưu sinh. Dự định của chị là làm đến giữa tháng 6, sẽ nghỉ để về quê trước khi sinh 1 tháng. Thế nhưng, dịch bùng phát tại Bắc Giang khiến kế hoạch của chị bị đổ bể. Công ty cho nghỉ làm từ 15.5 và những ngày gần đây, chị còn không được ra khỏi phòng trọ.

“Em đang về quê để sinh. Nếu không được thì đành sinh ở đây một mình và nhờ chủ trọ được cái gì hay cái đó thôi”- chị Phương bày tỏ. Chị lo lắng và có chút tủi thân khi nghĩ đến cảnh phải “vượt cạn” một mình, không có người thân, điều kiện sau sinh không đảm bảo; phòng trọ chật hẹp, nóng bức. “Trăm mối tơ vò” trong lòng chị Phương những ngày này.

Ngày dự sinh 18.7 càng đến gần, chị Phương nửa phần hồi hộp, mong chờ được nhìn mặt con, nửa phần lo lắng trước cảnh phải “vượt cạn” một mình. “Khi chuyển dạ, tôi sẽ nhờ chủ nhà trọ đưa đi trạm y tế. Chủ trọ rất tốt tính, họ đã đồng ý giúp đỡ. Em vẫn chưa mua sắm được gì để chuẩn bị cho cháu, vì cứ nghĩ là hết cách ly đủ 21 ngày sẽ về quê. Bây giờ các cửa hàng bán đồ sơ sinh vẫn đóng cửa, nên em không biết mua ở đâu” - chị Phương tâm sự.

Thu nhập trước khi bị nghỉ việc của chị Phương là 9 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, chị phải chi tiêu rất nhiều khoản, trong đó, phần lớn là gửi về quê để nuôi các con. Những ngày sống trong khu vực bị phong toả, món ăn của bà bầu trông chờ vào sự hỗ trợ của các đơn vị, nhà hảo tâm. "Khu trọ có ít rau muống, bí nên em chủ yếu ăn rau. Em tự động viên ăn rau cho đẹp da", chị Phương tếu táo.

Không chỉ gặp khó khăn về thực phẩm, do dịch bệnh nên từ tháng 5 đến nay chị Phương không thể đi siêu âm định kì. Thấy "con vẫn đạp”, chị phần nào yên tâm.

Mong muốn lớn nhất của chị Phương lúc này là dịch hoàn toàn được đẩy lùi, khu trọ được dỡ phong toả để chị về quê sinh con trong vòng tay chăm sóc, yêu thương của những người thân. Còn nếu không thể về quê, bằng mọi cách, chị sẽ vượt qua thời điểm khó khăn này để con được ra đời trong điều kiện tốt nhất có thể. “Em chưa đặt tên con là gì, nhưng chắc tên ở nhà gọi là… “rô na”. Ai cũng bảo vậy”- chị Phương nói đùa, mà không giấu được sự bất an, lo lắng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn