MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa (bìa trái) và Chủ tịch CĐ GDVN Vũ Minh Đức (bìa phải) trao quà của Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng cho các cán bộ, nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2017. Ảnh: X.T

“Vượt khó gieo chữ, trồng người”

XUÂN TRƯỜNG LDO | 20/11/2017 06:35

Đó là cụm từ được TS Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch CĐ Giáo dục Việt Nam - nhắc tới khi nói về 168 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc năm 2017 vừa được ngành GDĐT biểu dương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Vượt lên mọi gian khó, các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói trên luôn hết lòng tận tụy vì học sinh thân yêu, vì sự phát triển của ngành và tương lai của đất nước.

Không ngại khó, chỉ sợ thiếu nhiệt huyết

Chia sẻ việc phấn đấu để trở thành nhà giáo tiêu biểu toàn quốc, cô Lý Hà Xó - giáo viên Trường Mầm non xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) - cho rằng, đã vì học sinh thân yêu thì không ngại vất vả, chỉ sợ thiếu nhiệt huyết.

Bởi vậy, người giáo viên phải luôn giữ cho mình sự nhiệt huyết trong công việc. Về Trường Mầm non xã Hua Bum công tác từ năm 2011, cô Lý Hà Xó được ban giám hiệu nhà trường tin tưởng phân công giảng dạy tại các điểm trường: Nậm Nghẹ, Pa Cheo, Nậm Tảng, Pa Mu, Nậm Cười là những nơi chủ yếu phải đi bộ; trong đó, xa nhất là điểm trường Nậm Cười cách trung tâm xã 9,5km. Vất vả là thế, nhưng vì học sinh, cô Lý Hà Xó luôn khắc phục khó khăn, trang bị cho mình những kiến thức cơ bản và phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở các lớp do cô đảm trách được đảm bảo, hằng năm đều có học sinh tham gia thi “Bé khỏe - Bé ngoan” đạt giải cấp trường và cấp huyện (năm học 2015-2016).

Kết quả 5 năm trở lại đây, cô Lý Hà Xó luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ một giáo viên giỏi cấp trường, cô đã phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện, hằng năm đều đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, năm học 2014-2015 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Công tác tại địa bàn khó khăn, nhưng cô Nguyễn Thị Thới (giáo viên Trường Tiểu học Phương Bình 2, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Năm học 2015-2016, cô đoạt giải nhất Hội thi “Giáo viên giỏi” cấp trường và cấp huyện; giải nhất Hội thi “Giáo viên chủ nhiệm giỏi” cấp trường, cấp huyện.

Năm học 2016-2017, cô được nhà trường và Hội đồng thi đua khen thưởng ngành GDĐT huyện Phụng Hiệp ghi nhận có sáng kiến trong đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn. Cô Thới còn tham gia tổ mạng lưới chuyên môn của Phòng GDĐT huyện; nghiên cứu nội dung, chương trình lớp 5; đóng góp nhiều giải pháp giúp học sinh khắc phục khó khăn trong học tập; tham gia bồi dưỡng học sinh năng khiếu (giải toán qua mạng, viết chữ đẹp)…

Trong năm học 2016-2017, cô Thới đoạt giải nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; được Hội đồng thi đua khen thưởng ngành GDĐT huyện Phụng Hiệp đề nghị công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Với cô Thới, giáo viên phải nhiệt huyết, sáng tạo mới truyền được cảm hứng say mê học tập cho học sinh.

Mong Nhà nước ưu đãi hơn cho đội ngũ giáo viên

Theo cô Thới và một số nhà giáo khác, hiện nay, ngành GDĐT đang có những đổi mới mạnh mẽ trước những thời cơ và thách thức đặt ra. Điều đó đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải khắc phục mọi khó khăn, không ngừng học tập, rèn luyện đạo đức để trở thành tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo trước học sinh. Đội ngũ nhà giáo chắc chắn sẽ đem hết tài năng, trí tuệ và lòng nhiệt huyết của mình để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nước nhà, đào tạo các em học sinh trở thành những con người có đủ trí, lực, tài năng và đạo đức để xây dựng đất nước; xứng đáng với niềm tin, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của xã hội.

Tuy nhiên, cũng như một số nhà giáo khác, cô Thới mong rằng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương cần có nhiều chương trình tiếp sức cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về chế độ chính sách ưu đãi cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là những người đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn để họ có đời sống ổn định hơn, từ đó yên tâm dốc sức cho công việc giảng dạy và giáo dục học sinh.

Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương cần bố trí, sắp xếp công việc ổn định cho sinh viên học sư phạm khi ra trường; đồng thời tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị trang thiết bị dạy học để giáo viên có điều kiện thuận lợi hơn trong giảng dạy.

Theo thầy Nguyễn Sum - giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn - ở các trường miền Trung có hiện tượng một số lượng không nhỏ cán bộ sau khi được đào tạo thì thuyên chuyển đến một số nơi có điều kiện làm việc tốt hơn để có thể phát huy được năng lực của mình. Việc không ổn định về đội ngũ đã làm cho các trường ở miền Trung vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. “Do đó, tôi mong muốn Nhà nước và Bộ GDĐT quan tâm đầu tư nhiều hơn cho các trường ở miền Trung để các trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất cho việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học, để các thầy cô giáo ở nơi đây yên tâm công tác, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong điều kiện hội nhập quốc tế” - thầy Nguyễn Sum bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn