MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP Hồ Chí Minh tư vấn cho người lao động. Ảnh: Đức Long

Xác định rõ vai trò và nâng cao hiệu quả của Công đoàn trong kiểm tra, giám sát

Phương Ngân LDO | 07/08/2023 15:14

Nhìn thấy những sai phạm của doanh nghiệp ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, nhưng tổ chức Công đoàn không thể can thiệp, xử lý trực tiếp.

Đó là thực trạng được nhiều đại biểu nêu tại Hội thảo Công đoàn tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát, thực trạng và giải pháp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn Vũ Minh Tiến cho biết, Điều 10 của Hiến pháp năm 2013 và Điều 14 của Luật Công đoàn năm 2012 đều ghi nhận quyền giám sát của công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, không có sự thống nhất và đồng bộ về quyền giám sát của công đoàn là chủ động giám sát hay chỉ phối hợp giám sát.

Thực tế khi khảo sát tại các tỉnh, thành, công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát của tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp còn rất khó khăn, vì công đoàn chỉ có quyền tham gia với các đơn vị khác, rất bị động.

Điều này ảnh hưởng đến khả năng phát huy năng lực của tổ chức Công đoàn trong thực hiện chức năng bảo vệ cho đoàn viên, lao động. Do vậy, việc xác định quyền kiểm tra, giám sát của tổ chức Công đoàn có ý nghĩa quan trọng để làm cơ sở đề xuất sửa đổi Luật Công đoàn 2012 đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.

Nhiều đại biểu đã nêu ra thực trạng và kiến nghị giao quyền chủ động kiểm tra, giám sát cho tổ chức Công đoàn để bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Theo ông Nguyễn Đình Cường - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Thủ Đức - thực tiễn cho thấy, nhiều vấn đề, sai phạm xảy ra tại doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của người lao động, tổ chức Công đoàn nhìn thấy nhưng không thể trực tiếp can thiệp.

Ông Cường dẫn chứng nhiều vấn đề như việc ký hợp đồng lao động, nội dung trong hợp đồng không đầy đủ, không cụ thể, rõ ràng, việc chấm dứt hợp đồng không đúng quy định, không xây dựng thang bảng lương, nợ tiền lương của người lao động… Tuy nhiên, tổ chức Công đoàn không thể đơn phương giải quyết vấn đề đó mà phải thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra.

“Doanh nghiệp vi phạm các quy định hết sức cụ thể, rõ ràng, ngay cả vấn đề bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… những vấn đề đó hiện nay là một thực trạng. Tổ chức Công đoàn thấy điều đó nhưng không thể đơn phương can thiệp. Nếu được đề xuất, kiến nghị nên xem xét cho công đoàn chủ động hơn nữa trong việc kiểm tra, giám sát về quan hệ lao động và pháp luật lao động” - ông Cường nói.

Còn ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh - cho rằng, các quy định chồng chéo, thiếu thực tế khiến hoạt động bảo vệ quyền lợi người lao động không hiệu quả.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến hết năm 2022, cả nước có 2,79 triệu lao động bị doanh nghiệp nợ đóng BHXH từ 1 tháng trở lên. Nhưng khi giao cho tổ chức Công đoàn cấp trên khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH lại ràng buộc từng lao động phải ủy quyền thì công đoàn mới được quyền khởi kiện, có những doanh nghiệp hàng nghìn lao động rất khó cho việc công chứng ủy quyền. Ông Tâm dẫn chứng, có vụ kiện nợ BHXH, LĐLĐ TP Thủ Đức kiện 1 doanh nghiệp hơn 1 năm mà không được vì quy định ủy quyền cho công đoàn cấp trên.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Chí Tâm, công đoàn nên giữ vai trò tham gia kiểm tra, giám sát, không nên là một chủ thể kiểm tra, giám sát. Việc giám sát của tổ chức Công đoàn hiệu quả hay không là tùy thuộc vào sự phối hợp của tổ chức Công đoàn với các cơ quan liên quan.

Đồng thời, kiến nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật lao động để kịp thời bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn