MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu tại Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam. Ảnh: H.A

Xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp

HÀ NGUYÊN LDO | 01/03/2018 06:10
2017 tiếp tục là 1 năm thành công của ngành BHXH khi hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ Chính phủ giao. Theo Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, điểm nổi bật trong năm 2017 của ngành là đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ.

Tổng số thu các loại bảo hiểm đạt 291.321 tỉ đồng

Trong năm 2017, ngành đã hoàn thiện các phần mềm quản lý nghiệp vụ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; xây dựng được cơ sở dữ liệu (CSDL) tập trung, cấp mã số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT trên CSDL hộ gia đình. BHXH Việt Nam cũng đã khai trương và vận hành Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT, Trung tâm Dịch vụ khách hàng (tổng đài: 1900.969.668) nhằm tư vấn, giải đáp cho người dân, NLĐ các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Hiện nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, giảm thời gian giải quyết TTHC từ 335 giờ/năm xuống còn 49 giờ/năm, giảm từ 115 thủ tục xuống còn 28 thủ tục.

Về thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, năm 2017 là 1 năm rất thành công của toàn ngành. Đến hết 31.12.2017, tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN đạt khoảng 291.321 tỉ đồng (bằng 101,6% kế hoạch). Số người tham gia BHXH bắt buộc và tự nguyện đạt khoảng 13,9 triệu người (bằng 100,8% kế hoạch). Riêng BHYT, có khoảng 80 triệu người tham gia (bằng 102,1% kế hoạch). Năm 2017, toàn ngành đã giải quyết cho gần 10 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH; 620.000 người hưởng chế độ BHTN; hỗ trợ học nghề cho 32.000 người; thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho 165 triệu lượt người. Ngành cũng đã triển khai công tác thanh tra chuyên ngành, truy thu về quỹ hàng trăm tỉ đồng; giảm nợ đọng BHXH từ mức 3,7% cuối năm 2016 xuống dưới 3% so với kế hoạch thu được giao, thấp nhất từ trước tới nay.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhận định, thành tựu có ý nghĩa quan trọng nhất chính là việc BHXH Việt Nam đã tạo dựng được nền tảng vững chắc về hạ tầng công nghệ, là cơ sở quan trọng giúp hiện đại hóa quản lý BHXH. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, việc hiện đại hóa ngành BHXH góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

BHXH Việt Nam cũng đã xây dựng Hệ thống lưu trữ hồ sơ điện tử để số hóa tài liệu lưu trữ của ngành; xây dựng và hoàn thiện phần mềm giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ BHXH, BHTN; đưa vào vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT, giúp kết nối với gần 100% cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến Trung ương. Đến cuối năm 2017, hệ thống đã tiếp nhận trên 166 triệu hồ sơ KCB điện tử đề nghị thanh toán; tỉ lệ liên thông dữ liệu hàng tháng đạt trên 95%.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn đổi mới phương thức giao dịch. Thay vì chỉ có lựa chọn duy nhất là phải trực tiếp đến cơ quan BHXH, các tổ chức và người dân được phục vụ thêm thông qua các kênh như giao dịch hồ sơ điện tử; giao nhận và trả hồ sơ qua đơn vị cung cấp dịch vụ công. Hiện, cả nước có trên 236.000 đơn vị đăng ký giao dịch điện tử và đã có khoảng 2,4 triệu hồ sơ giao dịch điện tử trên tổng số 6,64 triệu hồ sơ giao dịch (tỉ lệ đạt 36%). Đặc biệt, hiện nay, toàn bộ ứng dụng CNTT ngành BHXH cũng đã được triển khai theo cấu trúc Chính phủ điện tử tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Đưa số người tham gia BHXH lên 14,62 triệu người

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, năm 2018, chủ đề của ngành là “Xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và DN”. Trong công tác thu và phát triển đối tượng tham gia, BHXH Việt Nam đặt mục tiêu đưa số người tham gia BHXH lên 14,62 triệu người, số người tham gia BHTN lên 12,43 triệu người. Đặc biệt, BHXH Việt Nam cũng tiếp tục đặt mục tiêu giảm giờ giao dịch với các DN xuống dưới 49 giờ/năm theo tinh thần Nghị quyết 19/2017 của Chính phủ.

Để đạt được những mục tiêu trên, BHXH Việt Nam đã đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Theo đó, các đơn vị nghiệp vụ và BHXH các địa phương phải chủ động thực hiện các mục tiêu nêu tại Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; thực hiện sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị (giai đoạn 2013-2017) và phương hướng nhiệm vụ đến năm 2020; tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26.12.2016 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Ngay từ đầu năm 2018, các đơn vị phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc phát triển đối tượng và thu nợ BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường công tác giám định trên Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử; chủ động phối hợp với ngành y tế kiểm soát các chi phí bất hợp lý tại các cơ sở KCB BHYT theo cảnh báo từ hệ thống giám định điện tử.

Ngoài ra, ngành cũng sẽ đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng chuyên nghiệp; tập trung vào nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và NLĐ làm việc trong các KCX-KCN. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí, qua đó giúp DN và người dân hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ khi tham gia BHXH, BHYT. Tiếp tục hoàn thiện, cập nhật bổ sung dữ liệu hộ gia đình; hoàn thành trả sổ BHXH cho NLĐ theo quy định của Luật BHXH; nghiên cứu, thí điểm thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT bằng thẻ điện tử. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ; hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ; hoàn thiện CSDL tập trung toàn ngành; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn