MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà ở xã hội cho công nhân tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: PV

Xây nhà ở cho công nhân: Doanh nghiệp nản chí

HÀ ANH CHIẾN LDO | 27/08/2019 11:58
Tỉnh Đồng Nai có khoảng 1,2 triệu lao động, trong đó tới 60% là người nhập cư. Đây là đội ngũ lao động đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của tỉnh Đồng Nai nhưng chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là nhu cầu thiết yếu về nhà ở. Điều này dẫn đến việc công nhân phải sinh sống tạm bợ trong các khu nhà trọ lụp xụp, đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật, cuộc sống thiếu an toàn.

Công nhân đối mặt dịch bệnh, trộm cắp

Theo ghi nhận của PV, đa số công nhân đang sinh sống và làm việc tại Đồng Nai là lao động ngoài tỉnh nên có nhu cầu về nhà ở rất lớn. Những địa bàn đang cần nhiều nhà ở cho công nhân như TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom. Hiện nay, riêng trong các khu công nghiệp của tỉnh đã có hơn 535.000 lao động, trong đó gần 320.000 lao động là công nhân từ các tỉnh khác về sinh sống và làm việc.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các công nhân làm việc tại Đồng Nai chủ yếu phải thuê phòng trọ để sinh sống. Nơi sinh sống nhỏ hẹp, xập xệ, không đảm bảo cho sức khỏe và môi trường thiếu an toàn.

Tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa, để tận dụng đất xây dựng, nhiều khu nhà trọ thậm chí không có cổng mà nằm “phơi mình” ngay mặt đường, chỉ có duy nhất một chiếc khóa cửa bảo vệ. Đây là tình trạng chung của nhiều khu nhà trọ, không có người quản lý, các công nhân phải tự bảo vệ mình. Mới đây, phòng trọ của chị Nguyễn Thị Xinh (công nhân, 42 tuổi, quê Gia Lai) tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa đã bị một nam thanh niên “viếng thăm” lúc 3h sáng, lấy đi 1 sợi dây chuyền vàng, 1 đôi bông tai vàng, 3 điện thoại và một xe máy với tổng giá trị gần 100 triệu đồng.

Không chỉ lo lắng vì sống mất an toàn, cuộc sống của công nhân trong khu nhà trọ còn phải đối diện với nguy cơ bệnh tật. Đồng Nai đang vào mùa bệnh sốt xuất huyết. Môi trường nhà trọ khiến các nhà làm y tế cảm thấy lo lắng cho công nhân. Ông Huỳnh Cao Hải - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai - cho biết, vấn đề vệ sinh ở các khu nhà trọ công nhân hiện nay rất khó khăn. Các khu nhà trọ công nhân lụp xụp, ẩm thấp xuất hiện rất nhiều ở TP.Biên Hòa, đặc biệt là các phường Long Bình và phường Trảng Dài.

Theo ông Hải, môi trường như vậy là một phần nguyên nhân nhiễm bệnh. Việc phải lao động với cường độ cao trong khi ăn uống đạm bạc, khó tái tạo sức lao động cũng dẫn tới sức đề kháng của công nhân yếu hơn, dễ nhiễm bệnh hơn và nguy cơ sốt xuất huyết diễn biến nặng hơn.

Xây nhà cho công nhân, doanh nghiệp nản chí

Nhu cầu nhà ở cho công nhân tại Đồng Nai là rất lớn, có những công ty hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư thứ cấp có sẵn đất thuê, đề nghị làm nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, thủ tục về đất đai rất rườm rà, tốn kém thời gian, chi phí đi lại đã khiến một số doanh nghiệp muốn làm nhà ở cho công nhân nản chí đã từ bỏ ý định.

Đại diện một công ty tại huyện Nhơn Trạch cho biết, công ty có 8.000m2 đất trong khu công nghiệp (KCN) rất thuận lợi để làm nhà ở công nhân. Nhưng theo quy định, dự án muốn thực hiện phải làm thủ tục xin cho tách khu đất trên ra khỏi KCN. Thủ tục tách thửa đất rất phức tạp và mất nhiều thời gian đi lại nên Cty tạm dừng, đợi chính sách thông thoáng hơn sẽ triển khai. Tương tự, nhiều công ty trong các KCN khác như: Amata, Hố Nai, Tam Phước... cũng đang vất vả trong quá trình thực hiện hồ sơ về dự án nhà ở công nhân.

Ông Phan Đình Thám - Tổng Giám đốc TCty phát triển KCN (Sonadezi) - đang quản lý vận hành 11 KCN ở Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu - cho rằng, việc đảm bảo phúc lợi cho người lao động (NLĐ) về nhà ở gặp khó khăn. Ông Thám lý giải, các KCN Sonadezi hình thành trước năm 2005 theo quy hoạch chưa có khu đảm bảo phúc lợi cho NLĐ. Chỉ những KCN phát triển gần đây mới có quy hoạch 1/500 được phê duyệt có bố trí khu dịch vụ y tế, nhà trẻ, sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa - thể thao, nhà ở cho NLĐ…

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của các bộ ngành, các khu này phải tách ra dự án riêng, không được để trong tổng thể KCN đã được phê duyệt. Việc này đòi hỏi mất nhiều thời gian, chi phí điều chỉnh quy hoạch của doanh nghiệp, làm lỡ cơ hội đầu tư, gây chậm trễ việc đảm bảo an sinh phúc lợi cho NLĐ.

Đầu tư 2.400 căn nhà ở xã hội tại huyện Long Thành

UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc về dự án Nhà ở xã hội tại xã Lộc An (huyện Long Thành) với quy mô 3,8ha, dự tính sẽ xây dựng 5 block chung cư từ 7 - 9 tầng. Dự kiến, dự án khi xây dựng xong sẽ có khoảng 2.400 căn hộ, bố trí cho khoảng 6.000-7.000 người với hình thức cho thuê, thuê mua, bán với công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn