MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Tạ Thị Hiền luôn lạc quan dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Ảnh: Bảo Hân

Xoay xở nhiều việc để mưu sinh

quế chi LDO | 17/10/2022 06:00
Bên cạnh những nữ công nhân gắn bó với nghề thì vẫn có những người đành phải rời bỏ công việc, kiếm công việc khác để có thể chủ động chăm sóc các con được tốt hơn.

Mong các con được học hành đầy đủ 

Chị Tạ Thị Hiền hiện thuê trọ tại thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Chúng tôi đến khu trọ của chị vào giờ sáng, đa số các phòng khác đều đã “cửa đóng then cài” khi những người thuê đều đã đi làm hoặc ngủ bù sau một đêm làm việc mệt mỏi. Chị Hiền đang gội đầu, còn con gái út - năm nay mới 3 tuổi - tha thẩn chơi ngoài sân. 

Chị Hiền cười bảo mình đã bỏ làm công nhân được hơn 1 tuần nay. Trước đây, chị Hiền làm công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long, do công việc quá bận rộn, không có thời gian chăm các con, trong khi các con thường xuyên ốm đau, nên chị phải xin nghỉ việc. Sau đó, chị đi làm ở một công ty tại Khu công nghiệp Quang Minh. Công ty này có cơ chế thoáng hơn, nhưng trong tháng 8.2022, công ty không có việc, chị phải nghỉ ở nhà, không có thu nhập. 

“Tôi quyết định bỏ việc, ở nhà chăm con. Hai con tôi sức khoẻ yếu, thường xuyên phải đi viện khám, nếu tôi đi làm liên tục thì sẽ không có ai chăm sóc các cháu” - chị Hiền nói lý do. 

Người mẹ 2 con này đã từng nghĩ đến việc gửi con về quê, nhưng do các con ốm đau thường xuyên nên chị muốn được gần con để tiện chăm sóc. Chưa kể, ông bà tuổi đã cao sẽ không đủ sức trông nom, chăm sóc các cháu.

Để có tiền trang trải cuộc sống, nữ công nhân xin làm chạy bàn ở một quán phở ở thôn Bầu - cách nhà khoảng 3km. Hằng ngày, chị Hiền phải có mặt tại quán phở từ 5 giờ sáng và làm việc tại đây đến khoảng 9 giờ sáng. Trong lúc chị đi làm, chồng chị lo đưa con lớn đi học; con út ngủ trong nhà, nếu cháu thức dậy, chị nhờ chủ nhà trọ dỗ, trông cháu. 

“Đi làm phải nhờ người trông nom con, nghĩ đến lòng tôi lo ngay ngáy. Nhưng vì mưu sinh nên phải chấp nhận” - chị Hiền chia sẻ. 

Dù vất vả nhưng người phụ nữ quê Bắc Ninh này luôn nở nụ cười lạc quan. Cuộc sống thiếu thốn, nên đã lâu rồi chị Hiền chưa có cho riêng mình một bộ quần áo hay một đôi giày mới. “Tôi thế nào cũng được, ăn quấy quá cho xong, mặc đồ cũ mãi cũng không sao. Điều quan trọng là các con được học hành tới nơi tới chốn, được ăn uống đầy đủ” - chị Hiền tâm sự. 

Đành nghỉ việc để chăm con...

Cách nơi trọ của chị Hiền không xa, chị Lê Thị Phương Hoàn (thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh) cũng đồng cảnh ngộ. Cách đây 2 năm, sau khi mang bầu cháu thứ 2, do không có ai trông con, công việc lại vất vả đầu tắt mặt tối, nữ công nhân này quyết định nghỉ việc. Để mưu sinh, chị Hoàn quyết định đi bán hàng online với các mặt hàng thảo dược. 

Từ một người chỉ biết đến một công việc lặp đi lặp lại trong nhà xưởng, chị Hoàn phải làm quen với cách viết nội dung quảng cáo, tương tác với khách hàng trên mạng xã hội. 

Từ bán hàng online, cơ duyên lại đưa chị đến một công việc khác đó là massage trị liệu. Chị theo học một khoá này trong nội thành Hà Nội để được cấp chứng chỉ, sau đó, chuyển cả nhà từ thôn Mai Châu ra thuê căn nhà bên ngoài mặt đường thuộc thôn Đại Đồng để tiện mở dịch vụ này. “Không làm công nhân nữa mà đi làm nghề tự do, đôi khi tôi khá lo lắng, thấy bấp bênh, nhưng bù lại, tôi có nhiều thời gian bên các con hơn. Điều quan trọng là các con nhận được sự chăm sóc, yêu thương hàng ngày của bố mẹ” - chị Hoàn tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn