MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xóm ngụ cư bãi giữa sông Hồng làm đủ nghề để mưu sinh qua mùa dịch

Phương Trang LDO | 14/03/2021 13:12
Dịch COVID-19 ảnh hưởng khiến cuộc sống của nhiều lao động ở xóm ngụ cư dưới chân cầu Long Biên (phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội). Cuộc sống đối với họ vốn đã khó khăn nay lại càng chật vật hơn.

Nằm sâu sau cánh đồng trồng chuối, bãi giữa sông Hồng (dưới chân cầu Long Biên) được người dân gọi là “xóm Phao” với 30 hộ dân đang trú ngụ và sinh sống.

Xóm Phao của những lao động tự do. Ảnh: Đỗ Phương.

Họ là những lao động đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình... rời quê hương lên Hà Nội kiếm miếng cơm manh áo.

Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung vì cuộc sống quê nhà vất vả họ phải xa quê, tha phương đến vùng đất mới để mưu sinh.

Cuộc sống của xóm ngụ cư tách biệt với sự nhộn nhịp của phố thị.

Cuộc sống của xóm ngụ cư tách biệt hoàn toàn với sự nhộn nhịp của phố phường. Những "ngôi nhà" được dựng lên từ thùng phuy, tấm gỗ thừa hay những tấm bìa, tấm bạt bỏ đi. Tất cả được ghép nối, chắp vá, miễn sao có chốn nương thân.

Ông Nguyễn Đức Lương (60 tuổi), sống cùng vợ ở xóm này hơn 30 năm nay. Hai ông bà không có con, chỉ biết nương tựa vào nhau lúc ốm đau, hoạn nạn. Ông Lương nói, ngày còn khỏe ông đi bốc vác thuê ở cây xăng phố Hàng Bún (Hà Nội), còn vợ ông nhặt sắt vụn và bán ngô trên cầu Long Biên. Do tuổi đã cao, sức khoẻ giảm sút, những ngày trái gió trở trời hai ông bà không đi làm được đành ở nhà ăn cơm nguội qua ngày.

Ông Nguyễn Đức Lương (60 tuổi), sống cùng vợ ở xóm hơn 30 năm nay.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, việc bốc vác thuê của ông cũng vì thế mà ít dần. Dù đã đến tuổi cần được nghỉ ngơi, an dưỡng nhưng cuộc sống khó khăn, ông Lương vẫn phải “mò mẫm” mưu sinh từng ngày.

“Dịch COVID-19 khiến lao động nghèo như chúng tôi không có việc. Tôi lang thang khắp nơi chỉ mong có người thuê. Nhưng dịch bệnh mãi không hết, xin việc chỗ nào cũng khó. Trước đây khi chưa có dịch còn có đồng ra đồng vào, phòng lúc ốm đau, thời gian gần đây không có việc tôi chỉ biết ở nhà, khi rảnh thì phụ vợ bán ngô” - ông Lương trầm ngâm.

Ở xóm Phao suốt 16 năm qua, chị Nghiêm Thị Ngân (32 tuổi, quê Hà Tây cũ) sống cùng chồng và 4 người con gái trong căn nhà rộng chừng 12m2. Từng là công nhân ở nhà máy sản xuất tăm nhưng ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhà máy cắt giảm nhân sự khiến chị Ngân bị mất việc.

Thời gian đầu, chị Ngân lấy tăm về đóng gói tại nhà, một phần chủ động được thời gian phần còn lại tiện chăm sóc con cái. Dù chăm chỉ cả ngày nhưng thu nhập từ việc đóng gói tăm cũng bèo bọt chẳng đáng là bao, cũng chỉ được 60.000 -70.000 đồng/ngày.

Để có một công việc trong thời gian này, chị Ngân đi làm giúp việc theo giờ và rửa bát thuê cho các quán ăn, còn chồng chị đi chở hàng cho xưởng bánh kẹo.

“Mỗi giờ làm giúp việc tôi được trả 40.000 đồng tiền thù lao, dù không quá cao tuy nhiên đây là công việc nuôi cả gia đình trong lúc này” - chị Ngân nói.

Năm năm trước, vợ chồng chị cùng xin vào làm việc tại một xưởng sản xuất nhỏ ở ngoại thành. Công việc của chị Ngân là nấu cơm, quét dọn, còn chồng đi chở hàng cho các đại lý trong thành phố. Trừ chi phí đi lại, mỗi tháng hai vợ chồng cũng có chút dư nuôi bốn đứa con đang tuổi lớn.

Góc dán giấy khen của con chị Ngân.

Niềm vui với người mẹ 4 con này là nhìn những đứa con khôn lớn, trưởng thành: "Đứa lớn học lớp 7 rất biết nghe lời bố mẹ, thành tích học tập luôn đạt xuất sắc, còn đứa em học lớp ba thì nhiều năm liền cũng đạt học sinh giỏi".

Có lẽ người dân ở đây đều nhận thức được rằng, để thoát khỏi cảnh nghèo chỉ có con đường học tập. Vì thế dù nghèo khó họ vẫn cố gắng cho con đi học để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của các thế hệ trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn