MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Nhà máy Đạm Ninh Bình.Ảnh: Vietnamnet

Xử lý 12 “dự án nghìn tỉ” thua lỗ: Phải đảm bảo quyền lợi của người lao động

K.Y.M LDO | 05/05/2017 06:40
Trước thông tin Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ hướng xử lý 12 dự án nghìn tỉ thua lỗ, PV Báo Lao Động có cuộc trao đổi với ông Lý Quốc Hùng - Chủ tịch CĐ Công Thương VN - về tình hình đời sống, việc làm của công nhân lao động (CNLĐ) trong các dự án này. Ông Lý Quốc Hùng cho biết:

- Trong số 12 dự án đó thì có 3 dự án chưa đi vào hoạt động (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 và Nhà máy giấy Phương Nam), vì thế số CNLĐ đang làm việc tại 9 doanh nghiệp (DN) còn lại có khoảng 10.000 người. Trong đó Nhà máy thép Thái Nguyên giai đoạn 1 vẫn hoạt động tốt. Năm 2016 lãi khoảng 200 tỉ đồng, thu nhập bình quân của người lao động (NLĐ) khoảng trên 7 triệu đồng/người/tháng.

Thép Việt Trung năm thứ 2 đi vào hoạt động và “gặp” ngay tình hình giá thép đi xuống nên sản xuất kinh doanh bị lỗ, mặc dù CNLĐ vẫn có việc làm nhưng thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 9 triệu đồng/người/tháng. Bốn dự án của Tập đoàn Hóa chất (Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Hải Phòng và DAP Lào Cai) có khoảng 4.000 CNLĐ, hiện nay vẫn có việc làm, nhưng không được đều và phải chia nhau nghỉ luân phiên nên thu nhập chỉ là lương cơ bản (5 - 6 triệu đồng/tháng)…

Riêng Nhà máy sơ sợi Đình Vũ - PVTex, cao điểm có trên 1.000 CNLĐ đã ngừng sản xuất từ cuối năm 2015. Mọi chế độ đối với CNLĐ cũng đã được giải quyết ổn thỏa. Quyết định ngừng việc đó của người lãnh đạo cũ cũng đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, đồng thời Bộ Công thương cũng đang xem xét để tiến hành khởi động lại nhà máy, bởi các dây chuyền, thiết bị sản xuất để không lâu ngày sẽ bị hỏng, gây thiệt hại lớn hơn cho DN.

Chủ tịch CĐ Công thương VN Lý Quốc Hùng (thứ hai, từ phải sang), tặng quà cho tập thể cán bộ, CNVCLĐ Nhà máy đạm Ninh Bình nhân dịp nhà máy hoạt động trở lại hồi đầu năm 2017. Ảnh: P.V

Vai trò của Tổ chức Công đoàn trong những lúc doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn đã được thể hiện như thế nào, thưa ông?

- CĐ Công thương, CĐ Dầu khí và các CĐ cấp trên cơ sở trực thuộc đã đến động viên, thăm hỏi CNLĐ ở các DN gặp khó khăn, hỗ trợ cho CĐCS hoạt động; động viên cán bộ CĐCS bám sát, nắm chắc tư tưởng, nguyện vọng của CNLĐ để có vấn đề gì thì có kiến nghị, đề xuất với chuyên môn giải quyết kịp thời, dù có một hai đơn vị có việc tâm lý CNLĐ dao động, xin chuyển công tác hay nghỉ việc. Chính vì vậy, ở những nơi khó khăn như vậy mà CNLĐ hầu như không bị “sốc” và nói chung các chế độ đối với NLĐ đều được các đơn vị chấp hành đầy đủ, không có khiếu nại, khiếu kiện.

Cụ thể, dịp Nhà máy đạm Ninh Bình tái khởi động hoạt động, CĐ Công thương VN, lãnh đạo CĐ Công nghiệp Hóa chất VN đã trực tiếp đến với CNLĐ, cùng với chuyên môn động viên các kỹ sư, thức trắng cả đêm để kiểm tra thiết bị, máy móc trước khi vận hành lại. Cả một hệ thống dây chuyền phức tạp như vậy, nếu không kiểm tra trước khi vận hành, lỡ có chuyện gì xảy ra sẽ gây thiệt hại rất lớn. Bên cạnh đó, CĐ hỗ trợ tiền bồi dưỡng cho CNLĐ làm thêm trong dịp tết… Cũng trong dịp tết vừa qua, CĐ Công nghiệp Hóa chất VN đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để thăm hỏi, động viên những gia đình CNLĐ còn có nhiều khó khăn.

Thưa ông, các phương án xử lý mà Bộ Công thương đưa ra liệu có ảnh hưởng đến việc làm cũng như thu nhập của người lao động?

- Tôi nghĩ là cũng có ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của NLĐ. Thực tế vấn đề của các đơn vị đó hiện nay là năng lực tài chính và sự chồi sụt giá cả của thị trường. Trước đây, khi làm dự án, giá thị trường có thời gian giữ mức khoảng 9 triệu tấn/đạm. Tết vừa rồi giá lên cao mới được 6,7 - 6,8 triệu đồng/tấn, giờ giá lại giảm hơn, sản xuất của các nhà máy đạm từ than lại phải cầm chừng.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào trong nước như than lại tăng… Vì thế, cần có cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước, hoặc là mạnh dạn phá sản, hoặc khi tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên thì tiến hành cổ phần hóa. Các DN cũng đòi hỏi phải có người quản lý giỏi, sắp xếp hợp lý lại lực lượng lao động theo hướng tinh, gọn, hiệu quả. Bởi chỉ khi nào DN phát triển thì đời sống, việc làm của NLĐ mới được ổn định. Nhà máy đạm Ninh Bình trước khi tái khởi động sản xuất cũng phải giải bài toán khó khăn là cắt giảm hơn trăm CNLĐ.

- Xin cảm ơn ông!

                                                                                                                         

Phương án chuyển nhượng các dự án ethanol khó khả thi

Ông Cao Hoài Dương - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam, doanh nghiệp có vốn góp tại 3 dự án nhiên liệu sinh học ethanol - cho biết, từ khi đi vào hoạt động, nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất đều chưa hoạt động hết công suất thiết kế, do không có đầu ra nên các nhà máy đều rơi vào tình trạng thua lỗ hoặc sản xuất cầm chừng. Các nhà máy trước khi dừng hoạt động đã giải quyết chế độ cho hầu hết công nhân, chỉ còn một bộ phận tối thiểu người lao động để duy tu, bảo dưỡng máy móc. Số lao động này sẽ được giải quyết chế độ cùng với phương hướng xử lý các nhà máy. Hiện phương án do Bộ Công thương đưa ra là chuyển nhượng, thoái vốn tại các dự án ethanol thua lỗ này. Tuy nhiên đây là phương án khó khả thi tại thời điểm này bởi với thực trạng thua lỗ, yếu kém, bán sẽ không ai mua, hoặc giả mua với giá 0 đồng thì liệu nhà nước có bán không? Đó là chưa kể nhà đầu tư mua lại dự án/nhà máy thua lỗ còn phải đồng thời gánh thêm khoản nợ ngân hàng lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Giải pháp tôi cho khả thi hơn cả là cho phá sản theo quy định của pháp luật. Sau khi tuyên bố phá sản, trong khi quá trình cổ phần hóa PV Oil và xác định giá trị doanh nghiệp cũng phải được công bố công khai khoản lỗ này cho nhà đầu tư, để nhà đầu tư có ý kiến về số phận dự án. Giải pháp lâu dài liên quan đến số phận các dự án nhiên liệu sinh học là Chính phủ cần nhanh chóng có giải pháp về đầu tư cho nhiên liệu sinh học. Cụ thể là thay thế hoàn toàn xăng A92 bằng xăng E5 theo lộ trình đề ra để khôi phục sản xuất, phát triển nguồn nhiên liệu sạch, không ô nhiễm môi trường.        HỒNG QUÂN ghi

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn