MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Công ty TNHH Daikan Việt Nam (Đồng Nai) sản xuất 3 tại chỗ. Ảnh: Hà Anh Chiến

Xuất hiện F0, doanh nghiệp khởi động lại sản xuất “3 tại chỗ”

HÀ ANH CHIẾN LDO | 04/12/2021 12:37
Tại Đồng Nai sau khi mở cửa khôi phục sản xuất, số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và doanh nghiệp xuất hiện trở lại khiến nhiều doanh nghiệp phải siết chặt lại các biện pháp phòng dịch hoặc tái khởi động sản xuất 3 tại chỗ để đảm bảo có đủ lao động để chạy các đơn hàng kịp tiến độ.

Tái khởi động sản xuất “3 tại chỗ” vì lo thiếu lao động

Tại Công ty TNHH Daikan Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) trong đợt dịch vừa qua đã hoạt động sản xuất “3 tại chỗ” rất hiệu quả. Đến ngày 15.10 doanh nghiệp này kết thúc hoạt động “3 tại chỗ” và cho người lao động đi về hằng ngày sau khi được UBND tỉnh Đồng Nai cho phép. Tuy nhiên, được khoảng 10 ngày thì doanh nghiệp xuất hiện F0 nên đã nhanh chóng tái khởi động lại sản xuất “3 tại chỗ”.

Ông Nguyễn Công Đoàn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa) - cho biết: Sau khi người lao động được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ và UBND tỉnh cho phép thực hiện phương án đi, về hằng ngày, công ty đã áp dụng. Tuy nhiên, lao động đi, về hằng ngày không đảm bảo được việc phòng, chống dịch nên xuất hiện một số ca nhiễm bệnh. Do đó, công ty đã thực hiện lại phương án “3 tại chỗ” để đảm bảo sức khỏe, sản xuất không bị gián đoạn. Hiện công ty đang có 80/112 người lao động đang thực hiện 3 tại chỗ. “Mặc dù chi phí 3 tại chỗ lớn, nhưng do công ty đang vào “vụ” sản xuất, nên nếu không tham gia sản xuất “3 tại chỗ” sẽ “gãy” nguồn cung cho khách hàng, khi đó khách hàng sẽ tìm đến nhà sản xuất khác” - ông Đoàn chia sẻ. Ngoài ra, nhiều người lao động tại xông ty bị F0 mặc dù đã âm tính, đủ thời gian cách ly theo quy định nhưng cũng chưa được cấp quyết định kết thúc cách ly để hưởng các chế độ.

Ông Phan Tới Thọ Hiệp - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Tokin Electronics (TP.Biên Hòa) - cũng cho biết, công ty có rất nhiều đơn hàng nhưng đang thiếu lao động trầm trọng. Từ 1.500 lao động nhưng hiện nay doanh nghiệp chỉ còn khoảng 1.000 lao động tham gia sản xuất. Còn Công ty TNHH Hwaseung Vina tại KCN Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch cũng đang tuyển hơn 2.000 lao động do trong quá trình sản xuất xuất hiện F0, F1 khiến việc sản xuất bị ảnh hưởng.

Siết chặt các quy định phòng dịch 

Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, sau thời gian gần 2 tháng mở cửa, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, nhận thêm các đơn hàng ở thị trường trong nước và xuất khẩu nhằm tăng doanh thu, bù lại 4 tháng phải thu hẹp sản xuất do dịch bệnh COVID-19. Đến nay đã có 1.685/1.705 doanh nghiệp đã trở lại sản xuất và số lao động trở lại làm việc cũng đạt hơn 88%.

Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng và doanh nghiệp tăng sau “bình thường mới” khiến các doanh nghiệp phải siết chặt các biện pháp phòng dịch cũng như tái khởi động hoạt động sản xuất 3 tại chỗ để đảm bảo các đơn hàng chạy đúng tiến độ. 

Để siết chặt các biện pháp phòng dịch, tại Công ty CP Taekwang Vina, KCN Biên Hoà 2, TP.Biên Hoà, ngoài các biện pháp cơ bản như: Vaccine, khẩu trang, máy đo thân nhiệt và áp dụng nguyên tắc 5K… Công ty còn chia 3 khung giờ làm việc để thực hiện giãn cách, mỗi khung lệch nhau 30 phút đến 1 tiếng. Nhờ đó, giờ ra về, giờ ăn trưa, giờ đi làm đều không bị trùng.  

Còn tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã có 31.000/42.000 lao động quay trở lại phục hồi sản xuất. Đây là doanh nghiệp gia công ngành giày da, có số lao động lớn, nguy cơ xuất hiện F0, F1 cao. Do đó, doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị sẵn khu cách ly cho các trường hợp F1 với đầy đủ trang thiết bị, vật dụng cần thiết. Đặc biệt, công ty chăm lo bữa ăn cho người lao động đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. 

Còn ông Lương Ngọc Hồi - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền (KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho biết: Theo ghi nhận tại công ty, đối với công nhân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 khi mắc COVID-19 thì không có triệu chứng hoặc ít triệu chứng, chỉ cần nghỉ ngơi 5-7 ngày là khỏi bệnh. Do đó, ông Hồi cho rằng, quy định cách ly 14 ngày hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng. 

Ông Lê Văn Danh - Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai - cũng đề nghị, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tổ chức chia các ca làm việc tại doanh nghiệp đảm bảo an toàn phòng dịch và đáp ứng yêu cầu giãn cách, bố trí quy trình làm việc theo hướng giảm giao lưu, tiếp xúc giữa các bộ phận trong doanh nghiệp, sắp xếp giờ ăn theo ca, phân luồng ra vào nhà ăn… để đảm bảo các quy định phòng dịch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn