MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Chu Ngọc Tửu - Bí thư chi bộ thôn Tân Thượng, xã Cương Gián chia sẻ khó khăn trong việc vận động lao động hết hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp về nước. Ảnh: TT.

Xuất khẩu lao động tại Hà Tĩnh khởi sắc hơn nếu không bị cấm diện EPS

TRẦN TUẤN LDO | 14/09/2022 08:33
Hà Tĩnh - Sau khi dịch COVID -19 được kiểm soát tốt, 8 tháng đầu năm 2022, số lao động ở Hà Tĩnh đã đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) là hơn 7.400 người, cao hơn số liệu của cả năm 2021. Con số này sẽ tốt hơn nếu thời gian qua, Hà Tĩnh không có một số địa phương bị cấm theo diện EPS sang lao động ở Hàn Quốc.

Phục hồi sau dịch bệnh COVID-19

Anh Nguyễn Bá Khang (34 tuổi, trú huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, năm 2021, vợ anh đã đi học tiếng để đi XKLĐ ở Nhật Bản. Thế nhưng, do dịch COVID-19 trong năm 2021 vẫn phức tạp nên không bay được mà phải ở nhà chờ đợi.

Vào đầu tháng 6.2022, vợ anh đã bay được sang Nhật làm việc. Hiện mức lương mỗi tháng đạt khoảng 20 triệu đồng. Nếu tăng ca đều đặn thì lên 30 triệu đồng/tháng.

Dù biết vợ đi XKLĐ, bản thân anh ở nhà cùng 2 còn nhỏ vất vả hơn nhưng vì kinh tế gia đình nên anh chấp nhận để vợ đi nước ngoài kiếm thu nhập chứ ở quê nhà công việc thu nhập thấp nên cuộc sống khó khăn.

Cũng may, gia đình anh Khang còn có bà nội và bà ngoại khỏe mạnh thay nhau chăm cháu để anh Khang theo nghề xây dựng kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học trong khi thu nhập của vợ đang dành trả nợ.

Một góc nhà cửa khang trang ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân - nơi có nhiều người đi XKLĐ. Ảnh: TT.

Từ đầu năm 2022 đến nay, do dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt nên nhiều người dân Hà Tĩnh đã đi XKLĐ thành công sau một thời gian dài chờ đợi.

Theo Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh, 8 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh Hà Tĩnh có 7.469 người đi XKLĐ. Trong đó đi Đài Loan (TQ) là nhiều nhất với 4.056 người, tiếp đến là đi Nhật Bản với 2.794 người, đi Hàn Quốc 228 người...

Trong khi toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2020 có 6.988 người đi XKLĐ, năm 2021 là 5.587 người.

Đáng tiếc vì bị cấm đi Hàn Quốc diện EPS

Ngày 13.9, ông Đinh Văn Nam - Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Nghi Xuân thông tin, theo kế hoạch, cả năm 2022 toàn huyện Nghi Xuân có 1.000 người đi XKLĐ.

6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện Nghi Xuân có khoảng 500 người đi XKLĐ, đạt 50% kế hoạch. Trong số đó chủ yếu là đi Nhật và một số nước khác, còn đi Hàn Quốc đang ít do Nghi Xuân là địa phương đang bị cấm theo diện EPS.

Ông Nam cũng cho biết, trước khi dịch COVID-19 xảy ra, mỗi năm ở huyện Nghi Xuân có khoảng 1.500 người đi XKLĐ. Trong năm 2020 và 2021, do dịch bệnh nên số đi XKLĐ thấp. Hiện nay thì đã phục hồi khá tốt.

"Mấy năm gần đây, huyện Nghi Xuân bị cấm đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc theo diện EPS là một sự việc đáng tiếc,  là một thiệt thòi lớn, ảnh hưởng đến hoạt động đi XKLĐ của địa phương. Bởi với người Nghi Xuân, Hàn Quốc là thị trường lao động chất lượng, cho thu nhập cao được người dân ưu tiên lựa chọn" - ông Nam chia sẻ.

Nói về nguyên nhân huyện Nghi Xuân có số lao động bất hợp pháp cao, ông Nam cho rằng, với việc đóng chi phí chống trốn 100 triệu đồng nhưng khi hết hạn hợp đồng ra làm ngoài, bình quân mỗi tháng một người đã có thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng nên họ sẵn sàng mất tiền phí chống trốn để đánh đổi có thể lao động bất hợp pháp được thêm mấy tháng, thậm chí đến mấy năm.

Xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) khang trang, giàu đẹp nhờ đi XKLĐ, trong đó phần lớn là đi lao động ở Hàn Quốc. Ảnh: TT

Ông Chu Ngọc Tửu - Bí thư chi bộ thôn Tân Thượng (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân) chia sẻ, theo chỉ đạo của chính quyền địa phương, nhiều năm nay ông đi vận động những gia đình trong thôn có con hết hợp đồng nhưng ở lại lao động bất hợp pháp ở nước ngoài về nước.

Thế nhưng, việc vận động rất khó khăn, ngay cả khi tiếp cận, đến các gia đình này đặt vấn đề cũng đã khó có được sự hợp tác chia sẻ từ phía gia đình. Hoặc nếu có thì cũng chỉ là "gia đình đã vận động nhưng con không nghe".

Theo Sở LĐTBXH Hà Tĩnh, hàng năm các huyện, thị xã, thành phố ở Hà Tĩnh đều xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm, XKLĐ và phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc tại doanh nghiệp, XKLĐ tổ chức các hoạt động tư vấn việc làm, XKLĐ.

Ngoài tăng cường tuyên truyền về nhu cầu thị trường, chính sách hỗ trợ XKLĐ thì ngành chức năng và chính quyền địa phương ở Hà Tĩnh cũng đã tăng cường tuyên truyền, vận động lao động hết hạn hợp đồng về nước, nhất là lao động đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (TQ).

Tuy vậy, người lao động sau khi hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài vẫn còn cao.

Năm 2022, Hà Tĩnh có 2 huyện là Nghi Xuân và Cẩm Xuyên bị cấm đi XKLĐ sang Hàn Quốc theo diện EPS do có số lao động lớn hết hợp đồng nhưng không về nước theo quy định. Năm 2021, địa phương này có huyện Nghi Xuân và thị xã Kỳ Anh bị cấm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn