MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Thanh Tâm, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu có con đi xuất khẩu lao động chia sẻ những kinh nghiệm. Ảnh: Nhật Hồ

Xuất khẩu lao động và bài toán quản lý nhân lực

NHẬT HỒ LDO | 03/03/2023 10:00

Đưa lao động làm việc ngoài nước là vấn đề được tỉnh Bạc Liêu đặc biệt quan tâm và trong nhiều năm liền, tỉnh đạt chỉ tiêu đề ra. Nhiều gia đình nhờ xuất khẩu lao động mà từ khó khăn đã trở nên khấm khá. Tuy nhiên, vấn đề quản lý nhân lực trong đó có chuyện ngăn chặn, xử lý tình trạng lao động trốn ở lại làm việc sau khi hết thời gian hợp đồng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Con đi xuất khẩu lao động, gia đình thoát nghèo

Năm 2022, tỉnh Bạc Liêu có 485 lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, có 351 lao động đã xuất cảnh làm việc (Nhật Bản: 170 lao động, Hàn Quốc: 11 lao động, Đài Loan (Trung Quốc): 162 lao động và nước khác 5 lao động).

Trong năm 2023, tỉnh này dự kiến đưa 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong đó, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng, người bị thu hồi đất nông nghiệp.

Ông Trần Nguyễn Trường Giang - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bạc Liêu - cho biết, trên 200 lao động là đoàn viên, thanh niên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với mức thu nhập hằng tháng gửi về gia đình từ 15-20 triệu đồng trở lên/tháng.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thanh Tâm, xã Phong Tân, thị xã Giá Rai có con đi lao động tại Nhật Bản chia sẻ, con ông đi lao động hai đợt, đã được gia hạn và do thời gian lao động lâu nên trung bình hằng tháng thu nhập trên 70 triệu đồng. “Nói thiệt, nếu không có con đi xuất khẩu lao động, gia đình tôi khó mà thoát nghèo, nói chi xây được nhà như hiện nay”-  ông Tâm nói.

Tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc), một doanh nghiệp chia sẻ, sau khi khấu trừ các khoản chi phí sinh hoạt cộng với tiền thuế được nhận lại mỗi năm một lần thì trung bình khoảng 3 năm, lao động sẽ tích lũy được từ 250-300 triệu đồng.

Lo nhất là lao động bỏ trốn

Lao động thuộc đối tượng được xuất khẩu lao động theo địa chỉ phần lớn ở nông thôn nên trình độ tay nghề, ngoại ngữ, tác phong và sự hiểu biết pháp luật lao động còn hạn chế. Từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn ứng viên tham gia đi lao động nước ngoài cũng như việc chấp hành pháp luật ở nước sở tại.

Bà Nguyễn Hồng Cẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu - cho rằng, bản thân người lao động và gia đình nhận thức còn hạn chế, tư tưởng không muốn cho con đi làm việc ở xa, sợ rủi ro. Người lao động còn hạn chế về trình độ nên chưa mạnh dạn đăng ký học ngoại ngữ, ngại phỏng vấn, lo sợ không đạt sẽ mất thời gian và chi phí học tập.

Tuy nhiên, những khó khăn này, theo đại diện Công ty Vinaincomex chi nhánh TPHCM sẽ khắc phục được.

Một trong những hạn chế ở thị trường Đài Loan (Trung Quốc) là còn lao động vi phạm hợp đồng, bỏ ra ngoài sinh sống và làm việc bất hợp pháp. Việc này gây nhiều hệ lụy cho cả phía Đài Loan  (Trung Quốc) và đơn vị đưa lao động đi làm việc. Nếu bị phạt, doanh nghiệp môi giới và cả chủ sử dụng lao động sẽ vô cùng khó khăn nên ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động.

Để khắc phục tình trạng này, bà Nguyễn Hồng Cẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu - cho rằng, cần tổ chức nhiều buổi nói chuyện với thanh niên chuẩn bị đi lao động. Từ những buổi nói chuyện trực tiếp sẽ kịp thời giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của người lao động, từ đó tạo lòng tin đối với lao động và thân nhân. Bên cạnh đó, cung cấp cụ thể các thông tin về lợi ích khi lao động ở nước ngoài mang lại như thu nhập cao, nâng cao tay nghề... để cho người lao động yên tâm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn