MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Văn Nam miệt mài đi làm hồ sơ suy tôn liệt sĩ cho người ông Nguyễn Văn Nghiêm. Ảnh: Hưng Thơ

Xuôi ngược làm hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ cho ông

hưng thơ LDO | 25/07/2020 12:36
Tử vong trong quá trình làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực phục vụ cách mạng, nhưng ông Nguyễn Văn Nghiêm (SN 1912, quê ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) chưa được suy tôn là liệt sĩ.

Con của ông Nghiêm nay già yếu, không còn đủ sức đi làm chế độ cho bố, nên người cháu Nguyễn Văn Nam (SN 1965, trú tại xã Cam Thành) xuôi ngược bổ sung hồ sơ với mong muốn liệt sĩ sớm được suy tôn.

Tử vong trong khi làm nhiệm vụ

Những năm kháng chiến chống Pháp, ông Nguyễn Văn Nghiêm tham gia Ban chấp hành Hội Nông dân cứu quốc xã Cam Nguyên (nay là xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Trong 1 lần vận chuyển lương thực thực phẩm từ vùng Cùa ra tiếp tế tại xã Cam Thành vào năm 1947, ông Nghiêm đụng độ với quân Pháp và thiệt mạng. Đến khi tiếng súng lặng, thi thể của ông Nghiêm mới được người dân chôn cất.

Đến năm 1997, con trai của ông Nghiêm là Nguyễn Văn Duệ (SN 1935, hiện trú tại xã Xuân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) đi làm chế độ suy tôn liệt sĩ cho bố. Ông Duệ đã làm hồ sơ, có xác nhận của 2 người làm chứng là ông Nguyễn Công Đoàn và Đào Bá Ngọc ở địa phương. Hồ sơ được đưa về xã, nhưng 3 năm sau vẫn không được giải quyết, nên ông Duệ rút hồ sơ đem về.

Năm 2018, ông Duệ đã 83 tuổi, luôn bày tỏ mong muốn cha ông được công nhận là liệt sĩ đúng với bản chất sự việc nên người cháu Nguyễn Văn Nam quyết định sẽ hỗ trợ. Hồ sơ lại được nộp lên xã, nhưng ông Đào Bá Ngọc (nhân chứng xác nhận ông Nghiêm tử vong trong khi làm nhiệm vụ) đã chết, nên hồ sơ lại “tắc”.

Sẽ đề xuất lên cấp trên để giải quyết

Được sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn ở địa phương, ông Nam quyết định khăn gói ra tỉnh Quảng Bình để gặp ông Đào Thanh Tiềm (quê ở xã Cam Thành, nay trú tại Đồng Lê, Tuyên Hóa, Quảng Bình). Ông Tiềm - nguyên là Bí thư Thanh niên cứu quốc, Tiểu đội trưởng Dân quân tự vệ xã Cam Nguyên, Ủy viên Quân sự Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Cam Nguyên, nên rất rõ việc ông Nghiêm tử vong khi làm nhiệm vụ. Chạy xe máy ra tỉnh Quảng Bình gặp ông Tiềm, khi đề cập đến chuyện làm hồ sơ suy tôn liệt sĩ cho ông Nghiêm, ông Tiềm ủng hộ.

Nhưng phải 2 lần ghé Quảng Bình, ông Nam mới có bộ hồ sơ của ông Tiềm để đưa vào hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ cho ông Nghiêm. Khi có 2 người làm chứng, hồ sơ của ông Nghiêm được đưa ra họp, được công khai ở trụ sở UBND xã Cam Thành và nhận được sự tán thành. Hồ sơ sau đó được chuyển về huyện, về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Quảng Trị.

Thế nhưng, cán bộ Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị phát hiện ở hồ sơ của người làm chứng không thể hiện được ông Tiềm có mặt tại địa phương thời điểm ông Nghiêm làm nhiệm vụ và tử vong. “Chúng tôi xác minh, thời điểm ông Nghiêm tử vong, nhân chứng là ông Tiềm có mặt tại địa phương. Nhưng trong văn bản, giấy tờ không thể hiện, nên chúng tôi đang gửi hồ sơ suy tôn liệt sĩ đối với ông Nghiêm ra Cục Người có công, Bộ LĐTBXH để xin ý kiến” - ông Nguyễn Thế Hậu, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị, cho hay.

Tại tỉnh Quảng Trị, trường hợp hồ sơ suy tôn liệt sĩ gặp khó vì vấn đề như trên là rất hiếm. Qua xác minh và chứng nhận của người dân địa phương đều cho thấy, người thật việc thật. Tuy nhiên, vì những thiếu sót nhỏ, nhưng việc giải quyết chế độ rất khó. “Vì vậy, chúng tôi mới đề nghị cơ quan cấp trên xem xét, giải quyết” - ông Hậu nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn