MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ý kiến của các Đại biểu Quốc hội quanh vấn đề doanh nghiệp trốn, nợ BHXH

ĐỨC THÀNH - XUÂN HẢI ghi LDO | 08/11/2017 06:53
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Mỗi địa phương phải đưa vài vụ ra tòa xử công khai”.

Về việc xử lý hành vi trốn, nợ đóng BHXH thì hệ thống văn bản pháp luật có rồi, đầy đủ cơ sở để các cơ quan chức năng thực hiện việc xử lý. Quy định đã rất rõ ràng, kể cả trong quá trình ký kết giữa người sử dụng lao động với người lao động (NLĐ), ví dụ như ký hợp đồng thời gian bao lâu là anh phải đóng bảo hiểm cho NLĐ, và thuê bao nhiêu lao động thì phải có tổ chức công đoàn… Nói chung là cơ chế đã đầy đủ.

Cái chính là tổ chức công đoàn (CĐ) nơi đó, hoặc tổ chức CĐ trên địa bàn đó phải làm sao để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Điều này cần thực hiện nghiêm túc. Người sử dụng lao động nếu không thực hiện tốt việc đóng bảo hiểm cho NLĐ thì trước hết các cơ quan quản lý nguồn thu này phải báo cáo để sử dụng bằng nhiều biện pháp, ngay cả chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm cùng nhau làm. Khi có tranh chấp thì tòa án cũng phải tham gia, hay quá trình thực hiện thì các cơ quan thực thi pháp luật cùng hỗ trợ lẫn nhau. Nếu đóng trễ là phải có xử phạt.

Như số liệu của đồng chí Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đưa ra có tới hơn 2.000 doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm với số tiền lên tới 15.000 tỉ đồng thì tôi đề nghị là mỗi địa phương cũng phải đưa vài vụ ra toà để xử làm gương, răn đe không để xảy ra các vụ việc khác tương tự.

Tôi nghĩ tình hình sẽ khác đi nếu đưa ra vài vụ việc để tòa án xử công khai, tôi tin là như thế, chúng ta có khả năng xử lý được những đơn vị trốn tránh đóng, nợ BHXH.

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: “Rà soát sửa đổi quy định, tuyên truyền và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm”

 

Nguyên tắc chung của xã hội chúng ta là thượng tôn pháp luật. Mọi cá nhân, mọi tổ chức, mọi cơ quan đều có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, việc không chấp hành pháp luật về bảo hiểm của một số doanh nghiệp có hai biểu hiện không ổn. Một là không tôn trọng và thực thi quy định của pháp luật.

Thứ hai là nó dẫn tới hệ quả là trước tiên NLĐ của doanh nghiệp đó, sau nữa là NLĐ nói chung sẽ bị ảnh hưởng bởi vì quỹ bảo hiểm sẽ bị ảnh hưởng.

Đây là hành vi cần phải xử lý nghiêm. Theo tôi, có mấy vấn đề cần phải làm để xử lý nghiêm. Một là căn cứ vào thực tại mà chúng ta đã có, những danh sách các cơ quan, doanh nghiệp mà không chấp hành việc thực hiện pháp luật BHXH. Đánh giá theo quy định của pháp luật hiện hành và tùy theo mức độ vi phạm của từng doanh nghiệp phải được xử lý theo quy định, và cần được thực hiện nghiêm túc.

Thậm chí cần xử lý điểm với một số doanh nghiệp vi phạm lớn, nợ đọng nhiều, thời gian kéo dài, cố tình trây ỳ để thể hiện tính nghiêm minh và làm gương, cảnh báo cho những doanh nghiệp khác.

Thứ hai, cũng cần rà soát lại những quy định của pháp luật để xem xem đã đủ khả thi chưa; đủ khách quan minh bạch, công khai chưa; đủ chế tài để xử lý đơn vị vi phạm chưa?

Thứ ba là trên cơ sở quy định của pháp luật mà chúng ta rà soát lại như vậy, chúng ta phải tuyên truyền cho xã hội, người dân, đặc biệt là NLĐ thấy được quyền lợi, trách nhiệm của mình để có những giám sát, phản biện, đề xuất kiến nghị kịp thời cụ thể với các cơ quan chức năng để xử lý tình trạng trốn, nợ đóng BHXH. Qua đó bản thân các doanh nghiệp cũng phải thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn