MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lao động đồng tình với đề xuất chỉ được rút 50% bảo hiểm xã hội 1 lần từ 1.7.2025 nhưng cũng không ít công nhân phản đối. Ảnh minh hoạ: Mạnh Cường.

Ý kiến trái chiều quanh đề xuất chỉ được rút 50% bảo hiểm xã hội 1 lần

Mạnh Cường LDO | 24/10/2023 06:46

Nhiều lao động đồng tình với đề xuất chỉ được rút 50% bảo hiểm xã hội 1 lần từ 1.7.2025, nhưng cũng không ít công nhân phản đối.

Anh Trần Văn Nguyên (28 tuổi) - công nhân ngồi máy chuyên dùng tại Nam Định cho biết, thực tế có rất nhiều lần anh cần số tiền lớn nhưng chưa đến mức phải rút hết bảo hiểm xã hội 1 lần.

Với hơn 6 năm đi làm, nhẩm tính nếu rút bảo hiểm xã hội 1 lần, anh được nhận khoảng 65 triệu đồng. Chia sẻ về đề xuất chỉ được rút 50% bảo hiểm xã hội 1 lần, anh Nguyên hoàn toàn đồng ý.

“Trong cuộc sống đôi khi thiếu thốn kinh tế, tôi đã nghĩ đến chuyện xin nghỉ việc sau đó chờ rút bảo hiểm xã hội 1 lần nhưng suy đi tính lại, tôi vẫn thấy tiếc. Dù biết bản thân có thể đóng lại 20 năm để hưởng lương hưu nhưng không nỡ. Tôi muốn đóng lâu dài để lương hưu về sau thật cao” - anh Nguyên nói.

Theo anh Nguyên, ở công ty mà anh đang làm, công nhân 50 tuổi bắt đầu bị sa thải không phân biệt nam hay nữ. Nếu bây giờ rút hết một lần, đóng lại đến khi 50 tuổi chỉ được 22 năm bảo hiểm, lúc đó lương hưu khá thấp.

Vì thế, nam công nhân muốn giữ lại 50% theo đề xuất, tức bảo lưu 5 năm để cộng dồn với 22 năm. Như vậy, tỷ lệ lương hưu sẽ được tính dựa trên 27 năm (59%), cao hơn 22 năm (47%) để đảm bảo cuộc sống.

So sánh với các hình thức khác, anh Nguyên cho rằng, bất đắc dĩ mới tính đến chuyện rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Khảo sát thêm, không ít lao động trẻ có ý định rời khỏi chính sách an sinh xã hội để tự do hoặc kinh doanh. Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Mỹ (26 tuổi) - công nhân may tại Thái Bình.

Dự định làm hết năm 2024, chị Mỹ sẽ xin nghỉ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, chờ đến đầu năm 2026 mới rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Nữ công nhân mong được rút hết tiền bảo hiểm xã hội để có đủ vốn mở cửa hàng mỹ phẩm. Tương lai nếu công việc ổn định, chị Mỹ chia sẻ sẽ không vào công ty làm nữa.

Đề xuất chỉ được rút 50% bảo hiểm xã hội 1 lần từ tháng 7.2025 khiến chị Mỹ khá lo lắng. Phần vì thiếu tiền mở cửa hàng, phần vì thấy lãng phí nếu bản thân không tiếp tục đi làm công ty. “Bất giác tôi có suy nghĩ sẽ nghỉ sớm hơn để rút bảo hiểm xã hội trước khi đề xuất có hiệu lực” - chị Mỹ cho hay.

Với các lao động trung niên, đề xuất này gây ra nhiều bất lợi với họ. Bởi theo họ, sau khi rút 50% bảo hiểm xã hội 1 lần cũng rất khó tiếp tục làm việc đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Chị Nguyễn Thị Phụng (46 tuổi), công nhân tại Nam Định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được 7,5 năm. Sắp tới, khi người con út học xong đại học, lập gia đình, sinh con, chị sẽ xin nghỉ ở nhà trông cháu.

Theo chị Phụng, hiện tại, dù có cố cũng không thể làm đủ 20 năm bởi vài năm nữa, sức khỏe đã sa sút chỉ muốn nghỉ sớm. Nếu cần đến tiền, chị mong được rút hết 100% bảo hiểm xã hội 1 lần để trang trải cuộc sống.

Trước đó, Chính phủ trình Quốc hội hai phương án giải quyết trong hồ sơ Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Phương án một, phân loại hai nhóm lao động để giải quyết hưởng một lần. Người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1.7.2025) được rút một lần nếu sau 12 tháng nghỉ việc mà có nhu cầu. Nhóm còn lại bắt đầu đi làm và đóng bảo hiểm xã hội từ sau 1.7.2025 sẽ không được rút, trừ trường hợp theo quy định.

Phương án hai, lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn