MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề xuất nghỉ 5 ngày trong dịp 30.4 - 1.5 nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người lao động. Ảnh: Mạnh Cường.

Ý kiến trái chiều quanh đề xuất nghỉ lễ 30.4 - 1.5 trong 5 ngày

Mạnh Cường LDO | 05/04/2024 16:09

Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đề xuất hoán đổi ngày làm việc bình thường và làm bù sang ngày khác trong dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm 2024 để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục.

Đề xuất nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người lao động. Không ít người ủng hộ nhưng cũng có khá nhiều người cho rằng nên giữ nguyên theo quy định.

Chị Phạm Thị Thúy (31 tuổi), giáo viên ngoại ngữ quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết bản thân muốn được nghỉ lễ thật dài để sắp xếp về quê ngoại thoải mái hơn. Dù khoảng cách chỉ hơn 100km nhưng gần nửa năm nay, chị vẫn chưa về quê ngoại bởi công việc quá bận rộn.

“Tôi đang sống cùng nhà chồng ở Hà Nội, còn quê ngoại thì ở Nam Định. Nếu được nghỉ 5 ngày, tôi sẽ cùng chồng và con về thăm ông bà ngoại 3 ngày cho thoải mái. Hai ngày còn lại, gia đình sẽ quay trở lại thủ đô, ra trung tâm thương mại hoặc khu vui chơi thư giãn trước khi trở lại công việc” - chị Thúy cho hay.

Thời gian 5 ngày nghỉ, theo nữ giáo viên sẽ giúp người lao động đỡ cập rập hơn trong việc đi đâu xa thư giãn cùng gia đình Chị Thúy hy vọng có thể làm bù ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để được nghỉ liên tiếp 5 ngày vì ngày Giỗ Tổ khá sát với ngày lễ 30.4 - 1.5 nên không cần thiết phải nghỉ trước.

Đồng tình với quan điểm trên, chị Nguyễn Quỳnh Dương (28 tuổi) - công nhân tại Nam Định cho biết nghỉ dài ngày là mong ước chung của rất nhiều người lao động. Theo chị Dương, đây vừa là thời gian hồi sức lý tưởng sau 2 tháng làm việc vất vả, vừa giúp gia đình xây dựng các kế hoạch đi chơi thuận lợi hơn.

“Ngày nghỉ, gia đình tôi vừa muốn đi Hạ Long (Quảng Ninh) du lịch, vừa muốn tổ chức ăn liên hoan ở bên nhà ngoại. Với 5 ngày nghỉ, vợ chồng tôi sẽ yên tâm và sắp xếp được nhiều việc hơn thay vì chỉ đi chơi như thông thường” - chị Dương chia sẻ.

Ngược lại, với những người làm việc trong lĩnh vực thẩm mỹ, ngày nghỉ quá dài sẽ khiến họ có cảm giác rất mệt mỏi. Bởi ngày nghỉ, ngày lễ chính là những ngày đông khách nhất, vất vả nhất.

Chị Nguyễn Thị Tâm (30 tuổi) nhân viên nail - mi tại quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, vào ngày nghỉ, chị phải làm việc quần quật. “Ngày nghỉ, ngày lễ, tôi phải tăng ca từ 8h sáng đến 21h. Nhìn những người khác được về quê, đi chơi cùng gia đình, họ hàng mà thấy chạnh lòng” - chị Tâm cho hay.

Những kỳ nghỉ dài từ 3 ngày trở lên, chị Tâm và đồng nghiệp gần như cảm thấy kiệt sức. Vì thế, nữ nhân viên mong được giữ nguyên 2 ngày nghỉ để đảm bảo sức khỏe ổn định khi làm việc.

Chị Phạm Thị Thuận (30 tuổi) - công nhân tại Nam Định cho biết, nghỉ nhiều mà không có nhiều kinh phí, chỉ quanh quẩn ở nhà sẽ rất buồn. Kinh tế hạn hẹp nên nữ công nhân dự định cùng gia đình lên phố hoặc ra biển chơi. Những dự định này, theo chị Thuận chỉ cần 1 đến 2 ngày là thực hiện được, không cần thiết phải nghỉ đến 5 ngày.

Bên cạnh đó, nữ công nhân cho biết nghỉ lễ dài ngày nhưng chỉ được tính lương cơ bản thì thu nhập tháng 4 sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Vì thế, chị Thuận mong muốn giữ nguyên ngày nghỉ như quy định, không cần thiết phải hoán đổi.

“Nếu nghỉ lễ mà được thưởng tiền nhiều, vẫn tính bằng thu nhập thực tế thì sẽ an tâm và háo hức hơn” - nữ công nhân bày tỏ nguyện vọng.

Chị Mai Thị Huyền (45 tuổi) - Chủ tịch công đoàn một công ty may mặc tại Nam Định cho biết, từ đầu tháng 4, rất nhiều công nhân đã bày tỏ nguyện vọng được làm bù trước hoặc sau kỳ nghỉ lễ. Mong muốn của họ được nghỉ lễ 4 ngày từ chủ nhật đến hết thứ 4. Khi có đề xuất của Bộ, công nhân càng phấn khích hơn.

Chị Huyền cũng đã trao đổi với Trưởng phòng hành chính nhân sự để kiến nghị lên Giám đốc nguyện vọng này của công nhân. Trong thâm tâm, chị Huyền mong được lãnh đạo phê duyệt nếu không ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất dù đề xuất của Bộ có được thông qua hay không.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn