MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

An ninh mạng có vai trò lớn nhằm giữ vững ổn định chính trị - xã hội

Cát Tường LDO | 15/06/2023 16:23
Theo TS. Nguyễn Hữu Hùng - Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, bảo mật, an ninh mạng và an toàn thông tin sử dụng kỹ thuật mật mã sẽ ngày càng khẳng định vai trò to lớn trong bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của các quốc gia.

Gần 8 triệu cảnh báo tấn công mạng trong năm 2022

Ngày 15.6, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề “An ninh mạng và mật mã trong nền an ninh quốc gia”.

Hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh mạng, vấn đề quản trị an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia Việt Nam và thế giới, nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển nguồn lực cho an ninh mạng…

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lê Hằng

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Hữu Hùng - Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ - khẳng định, việc xem không gian mạng là vùng “lãnh thổ đặc biệt” thì bảo mật, an ninh mạng và an toàn thông tin sử dụng kỹ thuật mật mã sẽ ngày càng khẳng định vai trò to lớn trong bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của các quốc gia.

PGS, TS. Nguyễn Thị Trường Giang phát biểu tại hội thảo. Ảnh Lệ Hằng

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang nhấn mạnh: Năm 2022, Bộ Công an đã ghi nhận, phân tích gần 8 triệu cảnh báo, dấu hiệu hoạt động tấn công mạng. Hoạt động gián điệp mạng, phá hoại của các thế lực thù địch ngày càng phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về chủ quyền, an ninh, chính trị, đối ngoại, kinh tế, xã hội.

Vấn đề an ninh mạng đang đòi hỏi phải tiếp tục được nhận diện, luận giải, phân tích những điểm mới về mặt lý luận và thực tiễn, tìm kiếm những phương châm, kế sách, giải pháp từ góc độ mật mã, góc độ quản trị để phòng ngừa, ứng phó, giải quyết có hiệu quả các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia phù hợp với bối cảnh mới, điều kiện mới.

An ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số

Hội thảo nhận được hơn 30 tham luận, báo cáo khoa học của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo.

Trình bày tham luận tại Hội thảo về “Xu hướng tấn công mạng và giải pháp”, PGS, TS. Trần Quang Anh - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - nhấn mạnh đến sức mạnh của AI. Theo ông, AI có thế mạnh phân tích lỗ hổng bảo mật; tự động sinh mã độc, tấn công tự động, liên tục, dai dẳng; tự thích nghi để tránh bị phát hiện; tự động sản xuất nội dung…

Về giải pháp, PGS,TS. Trần Quang Anh chỉ ra hướng đi về chính sách đào tạo bồi dưỡng; chính sách phát triển nền tảng, công nghệ lõi; chính sách make in Vietnam, trong đó, cần chú trọng trong đào tạo đội ngũ kỹ thuật chất lượng cao và nâng cao nhận thức cho người dùng cuối.

Ông Trần Đăng Khoa trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Lệ Hằng

Cũng trong phiên thảo luận, ông Trần Đăng Khoa - Cục Phó Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - trình bày về chủ đề: “Thực trạng quản trị an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra trong quá trình quản trị an ninh mạng”. 

Ngoài việc nêu bật thực trạng không gian mạng, thực trạng an toàn, an ninh mạng ở Việt Nam, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, quan điểm và tư duy quản trị an toàn, an ninh mạng trong tình hình mới, ông Khoa còn nhấn mạnh, an toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số. Để Việt Nam tự chủ về an toàn, an ninh mạng, cần phải làm chủ công nghệ, giải pháp và phát triển đội ngũ chuyên gia xuất sắc về an toàn, an ninh mạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn