MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ứng dụng nền tảng cửa khẩu số của tỉnh Lạng Sơn vào hoạt động xuất nhập khẩu đã phát huy tác dụng rõ rệt. Ảnh: Tùng Đinh

Ấn tượng với cửa khẩu số

HỮU CHÁNH LDO | 05/01/2023 08:09

Lạng Sơn  - Năm 2022, cả 5 trụ cột về chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực như: Cửa khẩu số, phát triển kinh tế nông nghiệp, giáo dục, y tế,… Qua đó đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xuất nhập khẩu dễ dàng hơn nhờ cửa khẩu số

Đi vào hoạt động từ 21.2.2022, nền tảng cửa khẩu số giúp các doanh nghiệp chỉ phải kê khai thông tin một lần và kê khai được từ bất kỳ vị trí nào, thời gian nào. Thời gian kê khai thông tin hàng hóa chỉ mất từ 2 - 5 phút nên rất thuận lợi.

Trong năm vừa qua, việc ứng dụng nền tảng cửa khẩu số của tỉnh Lạng Sơn và hoạt động xuất nhập khẩu đã phát huy tác dụng rõ rệt, đặc biệt là giảm thời gian thực hiện thủ tục, không có sai sót trong vấn đề số liệu.

Chị Tạ Thị Thu Trang - cán bộ của Trung tâm Quản lý cửa khẩu, trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, từ ngày cửa khẩu số đi vào hoạt động, bây giờ có nhiều hạng mục có thể thực hiện trực tuyến, không cần phải chờ trực tại văn phòng đến cuối cùng như trước đây.

Các lực lượng tại khu vực cửa khẩu của Lạng Sơn đang ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh: Hữu Chánh

“Nếu như trước đây 22h, 23h mới xong việc là chuyện bình thường thì bây giờ hôm nào bận lắm vẫn có thể về từ 21h, khi các xe đã hoàn tất thủ tục. Sau đó, nếu có vấn đề phát sinh thì tôi có thể hoàn toàn xử lý từ xa”, chị Trang chia sẻ.

Hết năm 2022, 100% các doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh và được xử lý trên nền tảng cửa khẩu số.

Qua 24 lần nâng cấp, đến nay nền tảng cửa khẩu số đã chạy ổn định, đa số các doanh nghiệp thành thạo khai báo thông tin trực tuyến và đã có hơn 1.400 doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên nền tảng cửa khẩu số.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên triển khai thí điểm nền tảng cửa khẩu số và đây là việc làm chưa có tiền lệ, nên trong quá trình triển khai thực tế phải vừa làm vừa chỉnh sửa.

"Trong tương lai Sở sẽ tiếp tục làm việc, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để hướng tới cửa khẩu số thông minh, thực hiện chia sẻ dữ liệu tất cả các ngành, các lĩnh vực liên quan đến hoạt động, giúp các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu theo 1 quy trình tự động hóa hoàn toàn, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu được công khai, minh bạch”, vị đại diện nói.

Nhiều thành tựu nổi bật trong chuyển đổi số

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn, công tác chuyển đổi số trên địa bàn năm 2022 được triển khai quyết liệt. Các cấp, ngành đã ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và quan tâm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực để thực hiện chuyển đổi số.

Đến nay, toàn tỉnh Lạng Sơn đã thành lập được 1.680 tổ công nghệ số cộng đồng với 7.856 thành viên; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyển đổi số từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Cả 5 trụ cột về chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được một số kết quả quan trọng, trong đó ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực như: Phát triển kinh tế nông nghiệp, giáo dục, y tế, cửa khẩu số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4… qua đó đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lạng Sơn ứng dụng chuyển đổi số vào phát triển kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Hữu Chánh

Kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số - DTI năm 2021 của tỉnh Lạng Sơn tăng 11 bậc so với năm 2020, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố.

Trong năm 2022, Lạng Sơn đã được nhận Giải thưởng Viet Solutions 2022 cho bài toán chuyển đổi số xuất sắc với Nền tảng cửa khẩu số; là 1 trong 7 cơ quan, đơn vị được Hội Truyền thông số Việt Nam trao giải thưởng "Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc".

Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, tỉnh xác định chuyển đổi số là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi số gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số, hạ tầng số, tỉnh Lạng Sơn chú trọng chuyển đổi số xuất phát từ người dân, phục vụ người dân và doanh nghiệp, lấy người dân làm trung tâm, động lực và là mục tiêu phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn