MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab (thứ ba, từ phải sang) và các trưởng đoàn tham dự hội nghị WEF ASEAN 2018 chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN

5 sự kiện đối ngoại nổi bật năm 2018

BAN THỜI SỰ LDO | 29/11/2018 08:00

Năm 2018 khép lại với những hoạt động đối ngoại sôi động của Việt Nam, để lại những dấu ấn quan trọng về chính trị, ngoại giao, kinh tế xã hội của Việt Nam trên trường quốc tế.

1. Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN)

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” diễn ra từ ngày 11-13.9.2018 tại Hà Nội được Chủ tịch sáng lập WEF Klaus Schwab đánh giá là hội nghị khu vực thành công nhất của WEF trong 27 năm, thực sự là “ngày hội” giao lưu các ý tưởng, nơi khởi nguồn của những sáng tạo mang tầm chiến lược toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra nhiều “cái nhất” của hội nghị: Sự tham dự nhiều nhất của nguyên thủ các nước ASEAN; số lượng phiên thảo luận nhiều nhất với 60 phiên, hơn 1.000 đại biểu tham dự; thu hút sự quan tâm của truyền thông quốc tế nhiều nhất từ trước đến nay đối với một hội nghị WEF ở khu vực, với khoảng 8.000 tin bài phát trên các mạng chính thống toàn cầu; trong đó có gần 3.000 bài nói về lãnh đạo Việt Nam, số lượng tin bài gấp 4 lần so với hội nghị WEF ASEAN năm 2017.

Kết quả quan trọng nhất của hội nghị là những ý tưởng mới kết nối ASEAN và các đối tác toàn cầu. Với việc đưa ra chủ đề “Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét tại hội nghị WEF ASEAN 2018, bởi trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, việc nắm bắt và tận dụng cơ hội chính là yếu tố sống còn đối với các thành viên ASEAN.

2. Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương 26 (APPF 26)

Hội nghị thường niên lần thứ 26 của APPF diễn ra tại Hà Nội vào tháng 1.2018 có sự tham gia của 22 đoàn nghị viện và hơn 300 khách mời là điểm nhấn của đối ngoại Quốc hội Việt Nam trong năm. Hội nghị đã hoàn thành 4 phiên họp toàn thể, thông qua 14 nghị quyết về những vấn đề quan trọng, trong đó có Tuyên bố APPF Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, việc thông qua bản Tuyên bố Hà Nội là thành công của APPF-26.

Đây là lần thứ 2 Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên APPF. Đăng cai và tổ chức Hội nghị lần này là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, góp phần làm nổi bật thành tựu ngoại giao Nhà nước ta, thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF, truyền tải mạnh mẽ thông điệp và hình ảnh của Việt Nam đổi mới, năng động, tích cực và trách nhiệm với bạn bè quốc tế.

3. Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

Ngày 12.11, với 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Quốc hội Việt Nam chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP, có hiệu lực từ ngày 1.1.2019. Việc Quốc hội Việt Nam thông qua CPTPP với tỉ lệ 100% đại biểu khẳng định Việt Nam quyết tâm tiếp tục đổi mới toàn diện, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, ủng hộ thương mại và đầu tư tự do và mở, dựa trên luật lệ và theo tiêu chuẩn cao.

Việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP cũng khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á-Thái Bình Dương; nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị-an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%.

4. Thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10)

GMS 6 và CLV 10 diễn ra vào cuối tháng 3 tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu và 200 tập đoàn, doanh nghiệp. GMS thông qua 3 văn kiện quan trọng là: Tuyên bố chung, Kế hoạch Hành động Hà Nội 2018-2022 và Khung đầu tư tiểu vùng 2022 với danh sách hơn 222 dự án cụ thể có quy mô khoảng 65 tỉ USD. Trong khi đó, tại Hội nghị CLV 10, Thủ tướng 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia thông qua Kế hoạch tổng thể về kết nối ba nền kinh tế CLV đến năm 2030. Kế hoạch hợp tác bao gồm những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác kết nối về hạ tầng cơ sở, kết nối về thể chế và kinh tế, và giao lưu nhân dân. Ba Thủ tướng đã ký Tuyên bố chung về hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV.

5. Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Uỷ ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL)

Ngày 18.12, tại cuộc bầu cử trong khuôn khổ Khóa họp 73 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, với số phiếu 157/193, Việt Nam đã lần đầu tiên trúng cử làm thành viên UNCITRAL nhiệm kỳ 2019-2025. Sự kiện Việt Nam ứng cử thành công, được bầu làm thành viên UNCITRAL nhiệm kỳ 2019-2025 là một bước đi mới trong lĩnh vực pháp lý quốc tế, khẳng định Việt Nam đề cao pháp quyền ở cấp độ quốc tế và quốc gia, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đánh dấu bước tiến tiếp theo trong việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, cụ thể là hội nhập pháp lý đa phương, vận dụng và tham gia xây dựng, định hình luật chơi chung ở cấp độ quốc tế trong khuôn khổ của Liên Hợp Quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn