MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các "ông lớn" từ Apple đến Samsung đều đã xảy ra bê bối bóp hiệu suất điện thoại. Ảnh minh họa: Thế Lâm.

Bê bối bóp hiệu suất máy từ Samsung đến Apple, tình và lý đều không ổn

Thế Lâm LDO | 18/03/2022 16:37

CEO Samsung Electronics kiêm Phó Chủ tịch Samsung, ông Han Jong Hee, mới đây đã phải cúi đầu nhận lỗi trước hàng ngàn cổ đông vì bê bối liên quan đến vấn đề hiệu suất máy của mẫu điện thoại mới nhất Galaxy S22. Bê bối tương tự trước đây Apple cũng từng gặp phải.

Galaxy S22 là mẫu điện thoại cao cấp mới nhất được Samsung mở bán gần đây, nhưng cũng nhanh chóng bị vướng bê bối khi bị cho rằng phần mềm tối ưu hóa game (GOS) trên mẫu điện thoại này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất của thiết bị.

Cụ thể, phần mềm điều chỉnh hiệu suất của smartphone nhằm giúp pin dùng được lâu hơn (GOS) vốn được trang bị trên các dòng máy Samsung từ năm 2017 (đời Galaxy S7) nhưng người dùng có quyền chọn lựa vô hiệu hóa nó.

Song đến Galaxy S22, GOS lại có thể tự động kích hoạt ngay cả đối với các ứng dụng phổ biến chứ không chỉ là game, khiến cho hiệu suất máy bị giảm chỉ bằng 53,9% so với công suất cam kết, theo nền tảng đo lường hiệu suất smartphone Geekbench.

Việc tối ưu hóa hiệu suất máy phục vụ cho các game thủ trong khi người dùng bình thường lại bị ảnh hưởng nặng khiến gây ra làm sóng bức xúc của người dùng nói chung đối với Samsung.

Vụ việc chưa biết sẽ còn đi tới đâu, song việc bóp hiệu suất là câu chuyện nóng không chỉ đối với Samsung, mà trước đây Apple cũng từng để xảy ra bê bối tương tự.

Đó là vào tháng 12.2017, Apple đã bị người dùng lật tẩy việc âm thầm bóp hiệu suất iPhone. Vấn đề sau đó được “Táo khuyết” thừa nhận là theo thời gian, pin iPhone chai dần, Apple bóp hiệu suất để pin dùng được lâu hơn và tránh tình trạng quá nhiệt hay sập nguồn.

Tuy nhiên, phía người dùng không tin như vậy. Nhiều ý kiến thời điểm đó trên các diễn đàn cho rằng Apple làm vậy là để thúc đẩy người tiêu dùng phải thay pin hoặc mua máy mới.

Thế nhưng trên thực tế, pin iPhone từ năm 2021 trở về trước được cho là rất nhanh sụt giảm dung lượng, cho nên dù là iPhone mới cũng chỉ bảo đảm được 100% hiệu suất máy trong năm đầu sử dụng. Tuy nhiên, Apple cho biết chỉ bóp hiệu suất đối với các dòng iPhone 6, 6s, SE, iPhone 7.   

Vì bê bối trên, Apple cuối cùng phải đưa ra chính sách đền bù hỗ trợ 50 USD thay pin cho người dùng. Và để xử lý dứt điểm vụ kiện từ người tiêu dùng, Apple đã chấp nhận trả thêm 113 triệu USD cho người dùng ở 34 tiểu bang của Mỹ. Tuy nhiên, với người dùng ngoài Mỹ, không được hưởng phần bồi thường thêm.

Đến giữa năm 2021, Apple lại bị dính tiếp một nghi án bê bối bóp hiệu suất iPhone 12 trong hầu hết các bản cập nhật hệ điều hành iOS để thúc người dùng nâng cấp lên phiên bản iPhone 13 ra mắt vào quý IV cùng năm.

Nhóm bảo vệ người dùng OCU ở Tây Ban Nha đã gửi thư tới Apple yêu cầu công ty này bồi thường cho những người dùng bị ảnh hưởng.

Xét về cả tình và lý, các vụ bóp hiệu suất từ Apple đến Samsung đều không ổn vì không minh bạch hoặc có thể cũng là chiêu trò vì mục tiêu thương mại và lợi nhuận.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn