MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu trung tâm thành phố mới Bình Dương, trong tương sẽ là vùng trung tâm phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn của tỉnh. Ảnh: Đình Trọng

Bình Dương bố trí đất, đào tạo nhân lực phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn

ĐÌNH TRỌNG LDO | 08/01/2024 16:35

Bình Dương được biết đến là một trong những thủ phủ công nghiệp chế biến chế tạo của cả nước. Hiện Bình Dương đang định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, trong có ngành vi mạch bán dẫn.

Ngày 8.1, tại Đại học Thủ Dầu Một diễn ra lễ khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên.

Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, khóa đào tạo kéo dài 4 tháng từ 8.1-8.5.2024. Tham gia khóa đào tạo, học viên sẽ được chuyên gia của Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Bên cạnh đó, tạo không gian cho học viên tiếp cận và sử dụng phần mềm thiết kế vi mạch.

Dự chương trình khai mạc, ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết, tỉnh Bình Dương đang rất quan tâm đến việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Theo ông Nguyễn Lộc Hà, hiện tỉnh đã và đang tập trung phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, chuyển giao khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách để phát triển ngành vi mạch bán dẫn. Quan trọng nhất là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này.

Ông Nguyễn Lộc Hà đánh giá, chương trình đào tạo này là bước khởi đầu quan trọng giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành điện tử và vi mạch bán dẫn trong tương lai của tỉnh Bình Dương.

Các đại biểu bấm nút khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên. Ảnh: Dương Bình

Về quy hoạch đất đai cho công nghiệp công nghệ cao, tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, Bình Dương sẽ dành 1.500 ha để phát triển công nghiệp công nghệ cao. Trong đó có 250 ha để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, đây sẽ là vùng lõi của nghiên cứu phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn sẽ gắn với khu thành phố mới Bình Dương.

Tư vấn cho Bình Dương, các chuyên gia trong lĩnh vực này, tính trong vùng Đông Nam Bộ, TPHCM sẽ tập trung vào khâu nghiên cứu thiết kế phát triển vi mạch. Vậy Bình Dương hay Đồng Nai sẽ là các cứ điểm tập trung vào sản xuất và xây dựng các nhà máy đóng gói. Để phát triển về lâu dài, thì cần đầu tư nhiều hơn cho việc đào tạo nguồn nhân lực và có các chính sách để thu hút nhân tài trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Tỉnh Bình Dương sẽ bố trí quỹ đất để phát triển công nghiệp công nghệ cao, trong đó có 250 ha để phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn. Ảnh: Đình Trọng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn