MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực trung tâm hành chính tập trung của tỉnh Bình Dương đang trở thành vùng chuyển đổi số mạnh mẽ. Ảnh: Đinh Văn

Bình Dương cần thêm sự hỗ trợ của bộ ngành để bứt phá trong Chuyển đổi số

ĐINH VĂN LDO | 06/10/2023 11:39

Tỉnh Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn nhằm hoàn thành mục tiêu chung chuyển đổi số của quốc gia, tiến tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số.

Những kết quả ấn tượng

Theo ghi nhận, liên tiếp 2 năm gần đây, chỉ số xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh Bình Dương xếp hạng cao, hiện tỉnh Bình Dương xếp hạng 19/63. Năm 2023, Bình Dương tiếp tục được Tổ chức Cộng đồng Thông minh thế giới ICF vinh danh Top 7 Cộng đồng Thông minh thế giới.

Để đạt được kết quả trên, tỉnh Bình Dương đã có một quá trình chuẩn bị pháp lý, khuyến khích đầu tư hạ tầng kỹ thuật và nhân lực. UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã ban hành 11 văn bản để thúc đẩy chuyển đổi số.

Về đầu tư cho hạ tầng số, hiện nay, độ phủ cáp quang tới thôn, ấp. 100% xã có mạng truyền số liệu chuyên dùng, sóng 4G phủ 100% toàn tỉnh phục vụ 4 triệu thuê bao. Tỉnh có 1 Trung tâm dữ liệu cung cấp dịch vụ cho chuyển đổi số và đô thị thông minh với 7 nền tảng khai thác vận hành. Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh kết nối dữ liệu với 3 Bộ ngành Trung ương, 17/18 sở, ngành, 4/6 cơ quan ngành dọc tại tỉnh với 15 nhóm chỉ số điều hành cập nhật theo ngày, tuần, tháng, 12 nhóm chỉ số cập nhật theo quý, năm. Triển khai ứng dụng Chính quyền số Bình Dương; cổng dữ liệu mở và ban hành danh mục dữ liệu mở của tỉnh.

Nổi bật, tại Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, hiện nay, 100% văn bản đều được ký số và phát hành trên môi trường điện tử (trừ những văn bản mật), thực hiện kết nối phần mềm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả với phần mềm cơ sở dữ liệu ngành Công Thương; Sở triển khai áp dụng phần mềm một cửa mới. Công chức, viên chức của Sở đều nâng cao nhận thức về cải cách hành chính, hiện đại hóa công sở, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, nhận thức về tinh thần, thái độ làm việc, các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công vụ.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đình Văn

Ông Võ Anh Tuấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, tỉnh có 100% hồ sơ xử lý trên môi trường mạng. Hiện nay có 1,2 triệu dân đã kích hoạt tài khoản định danh mức 2. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh cung cấp 1.352/1.886 thủ tục hành chính trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 76%.

Theo UBND tỉnh, toàn tỉnh đang có 29 khu công nghiệp và 9 cụm công nghiệp hoạt động với khoảng 65.000 doanh nghiệp. Trong đó, có trên 45.000 doanh nghiệp đang sử dụng các nền tảng số và có hơn 1.300 doanh nghiệp (55.722 lao động) cung cấp, kinh doanh điện điện tử, CNTT và công nghệ số đang hoạt động. Bình Dương có tốc độ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thuộc hàng top đầu của cả nước, đứng thứ hai vùng Đông Nam bộ với doanh thu năm 2021 đạt 2,25 tỉ USD.

Nhiều giải pháp triển khai xây dựng chính quyền số

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nâng cao các bộ chỉ số, trong đó có chỉ số DTI, tập trung vào các lĩnh vực đang còn hạn chế (an toàn thông tin, kinh tế số và xã hội số).

Tỉnh Bình Dương đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kho dữ liệu, kết nối toàn bộ dữ liệu quốc gia chia sẻ trên trục dữ liệu quốc gia để khai thác trong việc xây dựng Chính quyền số, phục vụ kinh tế số, xã hội số. Triển khai các nền tảng số do quốc gia cung cấp. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng cho hoạt động chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Triển khai các nền tảng AI, phổ cập AI cho cán bộ công chức viên chức, cho doanh nghiệp và người dân để có thể khai thác, sử dụng phục vụ công việc, kinh doanh và đời sống hằng ngày.

Dữ liệu số giúp giám sát điều hành hành giao thông. Ảnh: Đinh Văn

Tỉnh cũng nâng số lượng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến giúp người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ nhà. Số hóa, kết nối liên thông phần mềm nghiệp vụ hỗ trợ xử lý toàn trình trên môi trường mạng, triển khai các thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan nhà nước của tỉnh trên môi trường số.

Đồng thời hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số.

Tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai các dự án cụ thể về đô thị thông minh, chuyển đổi số, Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp ICT tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đoàn công tác tỉnh Bình Dương đã có chương trình làm việc với Bộ Thông tin Truyền thông. Ảnh: UBND Bình Dương

Cần thêm sự hỗ trợ của các bộ, ngành

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh vừa có kiến nghị với Bộ Thông tin Truyền thông để Bộ làm đầu mối trong việc phối hợp các bộ, ngành khác chia sẻ dữ liệu với địa phương; phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường để tháo gỡ vướng mắc về đất đai phục vụ cho việc xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (chủ yếu là cột ăng ten) là loại đất bưu chính viễn thông…

Cử chuyên gia hỗ trợ định hướng, cách làm, bước thực hiện để xây dựng mô hình mẫu chuyển đổi số các doanh nghiệp thuộc 8 hiệp hội ngành hàng, đặt biệt là chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung, thu hút doanh nghiệp công nghệ số, xây dựng hệ sinh thái chip bán dẫn. Tạo điều kiện thẩm định về quy hoạch Khu Công nghệ thông tin tập trung trong Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hỗ trợ chuyên gia phối hợp rà soát, định hướng trong công tác chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.

Ngày 3.10, đoàn công tác tỉnh Bình Dương đã có chương trình làm việc với Bộ Thông tin Truyền thông. Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư tỉnh Bình Dương cho biết, lãnh đạo tỉnh có đủ quyết tâm, tỉnh cũng có điều kiện về hạ tầng trong việc xây dựng Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và hướng tới hình thành thành phố thông minh để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Là một tỉnh đang phát triển ở TOP đầu trong vùng và cả nước, Bình Dương cũng đã triển khai nhiều nội dung công việc về chuyển đổi số, cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh... Tuy vậy, địa phương vẫn đang lúng túng trong thực hiện các công việc, nhiệm vụ. Ông bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ TTTT với vai trò như một "kiến trúc sư trưởng" về công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho tỉnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn