MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Bình Dương phấn đấu vào Top 10 chỉ số cải cách hành chính và chuyển đổi số

ĐÌNH TRỌNG LDO | 21/08/2023 19:02

Tỉnh Bình Dương đang thực hiện mạnh mẽ trong việc cải cách hành chính và chuyển đổi số. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu cho các sở ngành, địa phương phấn đấu vào Top 10 chỉ số cải cách hành chính và chuyển đổi số năm 2023.

Đặt mục tiêu vào Top 10 về chuyển đổi số

Trong tháng, lãnh đạo tỉnh Bình Dương liên tiếp có các cuộc làm việc với các sở ngành liên quan thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và cải cách hành chính của tỉnh. Việc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dân số đông nhưng bộ máy hành chính ngày càng phải tinh gọn (năm 2022, toàn tỉnh chỉ có 1.711 biên chế, phục vụ 2,6 triệu dân và khoảng 58.000 doanh nghiệp).

Cụ thể, ngày 11.8, ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tình hình công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh xác thực điện tử và xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương trong 7 tháng đầu năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm 5 tháng cuối năm 2023.

Ngày 18.8, ông Nguyễn Văn Lợi tiếp tục chủ trì họp nghe báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và Thành phố thông minh Bình Dương.

​Tham dự cuộc họp này có ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - phát biểu chỉ đạo tại các cuộc họp. Ảnh: Yến Nhi

Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - đánh giá công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh xác thực điện tử và xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương bước đầu đạt được một số nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, cải thiện.

Ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, toàn tỉnh cần quyết tâm đưa Chỉ số Cải cách hành chính và chuyển đổi số đứng trong Top 10 cả nước. Đối với các chỉ tiêu của Trung ương quy định phải hoàn thành. Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu các Tổ công tác, các sở, ngành tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch, công việc, nhiệm vụ cụ thể và triển khai thực hiện cho hiệu quả.

Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Yến Nhi

Thực hiện đồng bộ nhiều nhiều giải pháp

Theo kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2022, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Bình Dương đạt 85,52%. Tỉnh Bình Dương xếp thứ 4/63 tỉnh, thành tăng 18 bậc so với năm 2021 (năm 2021 Bình Dương xếp 22/63 tỉnh thành).

Trong khi đó, về xếp hạng về chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương năm 2022, Bình Dương xếp hạng 19/63 tỉnh, thành phố cả nước, tăng 3 hạng so với năm 2021.

Để đưa Chỉ số cải cách hành chính và chuyển đổi số vào Top của cả nước, các sở ngành của tỉnh Bình Dương đã vạch ra các giải pháp và lộ trình thực hiện.

Hiện nay, đối với chuyển đổi số, nhiều tiêu chí liên quan vấn đề thể chế, vai trò lãnh đạo, nhận thức và yêu cầu kỹ thuật, chuyên ngành do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tham mưu triển khai thực hiện đa số đều đạt Top 10. Nhiều nhóm tiêu chí đến tháng 8.2023 đã khắc phục và kết quả đạt được khả quan hơn năm trước như nhóm vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng, đào tạo, tập huấn.

Các nhóm vấn đề ban hành thể chế, chính quyền số đã triển khai, dự kiến hoàn thành vào cuối năm và đạt điểm tốt. Các chỉ tiêu, mục tiêu của Trung ương về dịch vụ công trực tuyến hay về số hóa, tỉnh đều đạt và vượt theo Kế hoạch và mục tiêu chung của Chính phủ.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Trong những tháng cuối năm, Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh tập trung xây dựng, tổ chức kho dữ liệu số tỉnh Bình Dương; Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh chia sẻ, kết nối với các Trung tâm Giám sát, điều hành chuyên ngành (OC), Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) cấp huyện và Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện và bộ phận một cửa cấp xã. Hoàn thành việc hợp nhất Cổng Dịch vụ công tỉnh và Hệ thống một cửa điện tử tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia trước 30.9.2023.

Đối với công tác cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính, tập trung rà soát các điều kiện thực hiện để nâng cao tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Khẩn trương rà soát, xây dựng quy chế, quy trình giải quyết dịch vụ công liên thông, các form điện tử trong nội bộ các cơ quan Nhà nước từ khâu cho chủ trương, thẩm định của các sở ngành, trình UBND tỉnh quyết định theo thẩm quyền. Tập trung rà soát, đánh giá 30% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: Đất đai, môi trường, đăng ký kinh doanh, đầu tư, xây dựng, lao động, y tế, giáo dục.

Tỉnh cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ trong việc xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương. Phát triển thành phố thông minh Bình Dương với 4 trụ cột là cải cách hành chính, phát triển kinh tế, môi trường bền vững, xã hội toàn diện.

Sớm thực hiện mô hình văn phòng không giấy

Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh Ủy Bình Dương - đề nghị, việc xây dựng chính quyền điện tử phải xử lý các vấn đề công khai minh bạch, tập trung triển khai các dự án trọng điểm. Các dịch vụ trực tuyến phải toàn trình, nhanh chóng và chất lượng. ​Trong công tác cải cách hành chính, đề nghị sớm thực hiện mô hình văn phòng không giấy, trong đó hồ sơ chuyển giữa các cấp là liên thông không dùng giấy trong toàn tỉnh. Phấn đấu nâng tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình lên 50% vào cuối năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn