MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bảo vệ dữ liệu cá nhân đang trở nên cấp bách và cần thiết. Ảnh minh họa chụp màn hình

Bộ Công an dự kiến quy định 11 quyền của chủ thể dữ liệu

Việt Dũng LDO | 09/06/2024 14:14

Qua việc phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan đến bán dữ liệu, cũng như một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn ở Việt Nam, Bộ Công an dự kiến một số quan điểm, định hướng xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Về việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) - khẳng định "đang trở nên cấp bách và cần thiết".

Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho hay, sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ dẫn tới nhiều phương thức thủ đoạn mới trong tấn công mạng, các lỗ hổng và thiếu hụt biện pháp phòng thủ mạng; Dữ liệu cá nhân trở thành nguồn nguyên liệu quý giá cho các hoạt động kinh tế, có giá trị lợi nhuận cao, hấp dẫn tin tặc và các đối tượng phạm tội thực hiện hành vi đánh cắp, mua bán.

Gần đây, Bộ Công an phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân. Một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt nam đã bị phát hiện, đấu tranh, xử lý. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới hàng nghìn GB dữ liệu, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.

Trong khi đó, nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân còn hạn chế, sẵn sàng cung cấp thông tin đời tư để lấy sự tiện ích về công nghệ. Cạnh đó, việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân còn hạn chế...

Mặt khác, đến nay Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển ứng dụng Internet cao nhất thế giới, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng tên miền quốc gia; Cơ sở hạ tầng dữ liệu và mạng lưới trung tâm dữ liệu đang được cải thiện...

Từ tình hình trên, việc xây Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Với vai trò là đơn vị chủ công trong xây dựng luật trên, trong dự thảo Luật, Bộ Công an dự kiến quy định chủ thể dữ liệu có 11 quyền:

Các quyền gồm: Quyền được biết; Quyền đồng ý; Quyền truy cập; Quyền rút lại sự đồng ý; Quyền xóa dữ liệu; Quyền hạn chế xử lý dữ liệu; Quyền cung cấp dữ liệu; Quyền phản đối xử lý dữ liệu; Quyền khiếu nại, tố cáo; Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; Quyền tự bảo vệ.

Theo Bộ Công an, các quyền trên được nghiên cứu, xây dựng phù hợp với các văn bản pháp luật trong nước và được quy định tại một số văn bản pháp luật của nước ngoài như: Quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh châu Âu; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân của Singapore, Nhật Bản, Australia, Đức, Pháp; Khung quy tắc bảo mật xuyên biên giới ASEAN.

Trong quá trình lấy ý kiến, hầu hết các tổ chức, cá nhân tham gia góp ý đều đề nghị làm rõ các quyền của chủ thể dữ liệu, coi đây là căn cứ quan trọng trong thực hiện hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng sẽ quy định 5 nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu trong Dự thảo Luật gồm: Có trách nhiệm tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình; Yêu cầu các tổ chức, cá nhân khác có liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình; Tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân của người khác;

Cung cấp đầy đủ, chính xác dữ liệu cá nhân khi đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân; Tham gia tuyên truyền, phổ biến kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân; Thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và tham gia phòng, chống các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn