MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Công an được giao đẩy nhanh tiến độ kết nối, đồng bộ các cơ sở dữ liệu. Ảnh: Chụp màn hình

Bộ Công an nói về việc dùng cơ sở dữ liệu để chặn gian lận, trốn thuế

Lam Duy LDO | 08/06/2024 13:49

Bộ Công an được giao đẩy nhanh tiến độ kết nối, đồng bộ các cơ sở dữ liệu để phục vụ định danh, xác thực cá nhân, tổ chức, phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử.

Như Lao Động phản ánh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 6.6 ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Đáng chú ý trong các nhiệm vụ, giải pháp giao các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan triển khai 3 nội dung:

Thúc đẩy tiến độ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện định danh và xác thực điện tử; đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng… phục vụ định danh, xác thực cá nhân, tổ chức phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử;

Nghiên cứu xây dựng cơ chế tiếp cận, khai thác hiệu quả Hệ thống định danh và xác thực điện tử nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến trong từng lĩnh vực;

Chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường triển khai thực hiện nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh trật tự trong hoạt động giao dịch điện tử và thương mại điện tử; triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến nội dung này, theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an ngày 8.6, cơ quan này đang xây dựng dự án Luật Dữ liệu, dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa XV, tại Kỳ họp thứ 8.

Việc xây dựng và ban hành Luật Dữ liệu xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nhằm sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế đến nay việc xây dựng, tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu đạt được một số kết quả tích cực như: Bước đầu khởi tạo và hình thành được 7 cơ sở dữ liệu quốc gia; một số cơ sở dữ liệu quốc gia đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu góp phần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân; hạ tầng công nghệ xây dựng các Trung tâm dữ liệu bước đầu được quan tâm đầu tư hơn.

Các bộ, ngành, địa phương cũng triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước, trong đó sẽ có gần 40 cơ sở dữ liệu quốc gia và gần 50 cơ sở dữ liệu chuyên ngành được xây dựng.

Tuy nhiên, hầu hết các luật hiện nay đều không quy định cụ thể hoặc thống nhất về việc xây dựng, thu thập, quản lý, vận hành, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong các cơ sở dữ liệu;

Chưa có luật nào quy định về các dịch vụ liên quan đến dữ liệu, điều chỉnh các nền tảng phát triển, ứng dụng dữ liệu đang có xu hướng phát triển phổ biến trên thế giới như công nghệ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối, công nghệ truyền thông dữ liệu, công nghệ Internet vạn vật và công nghệ dữ liệu lớn.

Do đó, Bộ Công an cho hay cần có Luật Dữ liệu để điều chỉnh các vấn đề nêu trên nhằm thực hiện thống nhất, đồng bộ, sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn