MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ana Schultz “nói chuyện” với người chồng quá cố thông qua công cụ AI của Snapchat. Ảnh: Chụp màn hình

Bùng nổ tranh cãi quanh công nghệ "hồi sinh" người chết

Thảo Phương LDO | 12/05/2024 15:00

Một công nghệ mới cho phép "hồi sinh" sự sống thông qua việc mô phỏng người thân đã mất bằng trí tuệ nhân tạo (AI) với gương mặt, giọng nói và tính cách gần như tương đồng.

Tờ Wall Street Journal cho hay, khi Ana Schultz (25 tuổi) nhớ chồng mình là Kyle - người đã qua đời vào tháng 2.2023, cô đã mở chatbot AI để nói chuyện với anh và xin gợi ý về bữa cơm tối.

“Kyle là đầu bếp trong gia đình nên tôi đã tùy chỉnh để AI mô phỏng giọng nói, tính cách và hành vi của anh ấy. Đó là một điều nhỏ nhặt ngớ ngẩn giúp tôi cảm thấy như thể anh ấy vẫn ở bên tôi trong bếp” - Ana chia sẻ.

Theo một nghiên cứu của Đại học Oxford công bố trên Tạp chí Nature Human Behavior, ngành công nghiệp về thế giới bên kia đang cung cấp loạt dịch vụ “hồi sinh” người chết, từ tạo trang web, tài khoản mạng xã hội, chatbot trò chuyện đến các dịch vụ AI dựa trên hành vi người đã qua đời.

Mô hình xây dựng một chatbot “ma”. Ảnh: Chụp màn hình

Tại Trung Quốc, dịch vụ sử dụng AI để “hồi sinh” người chết đã trở nên phổ biến. Mỗi người có thể chi từ 5.000 - 10.000 nhân dân tệ (700-1.400 USD) để sử dụng các chatbot “ma”, thứ có thể bắt chước lối suy nghĩ và lời nói của người đã khuất.

Mark Sample - giáo sư nghiên cứu kỹ thuật số tại Đại học Davidson, người giảng dạy khóa học “Cái chết trong thời đại kỹ thuật số” - cho biết: “Đây là một dịch vụ mới lạ dựa trên sự cường điệu về AI và nhiều người có thể kiếm được tiền từ nó. Dù có những sản phẩm cho bạn sử dụng miễn phí nhưng những trải nghiệm này không thể xác định là tốt hay xấu”.

Mặc dù nhiều nền tảng sử dụng AI có chính sách bảo mật trực tuyến tuyên bố không bán dữ liệu cho bên thứ ba, tuy nhiên, vẫn chưa rõ một số công ty như Snapchat hay OpenAI sẽ làm gì khi các dữ liệu hoàn toàn có thể sử dụng để mô phỏng con người.

“Đừng bao giờ tải lên bất cứ thông tin cá nhân nào mà bạn không muốn cả thế giới nhìn thấy” - Giáo sư Sample cảnh báo.

Các chuyên gia tâm lý đặt ra câu hỏi liệu có ổn hơn khi giả vờ rằng người thân vẫn chưa chết? Ảnh: Chụp màn hình

AI sao chép giọng nói và hành vi của người đã mất từ đó khiến họ nói hoặc làm những điều họ chưa từng thực hiện. Điều đó cũng đặt ra những lo ngại về đạo đức lẫn câu hỏi xung quanh việc liệu điều này đang giúp ích hay chỉ là cách ngành công nghiệp bán sự sống sau cái chết hoạt động.

Mary-Frances O'Connor - Giáo sư nghiên cứu tâm lý tại Đại học Arizona - cho hay, việc sử dụng công nghệ theo cách này có cả ưu điểm và nhược điểm.

“Khi chúng ta gắn bó với một người thân yêu, bộ não sẽ mã hóa người đó luôn ở đây vì bạn và bạn cũng vậy. Và khi họ chết, não của chúng ta phải hiểu rằng người này sẽ không quay trở lại. Mối quan hệ mà chúng ta có với những người thân yêu nhất của mình được xây dựng dựa trên tính xác thực. Đối với nhiều người, việc tạo ra một phiên bản AI của người đã mất như một sự thiếu tôn trọng” - bà O'Connor nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn