MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Các cơ quan báo chí ứng dụng AI để phục vụ tốt hơn nhu cầu công chúng

Mai Hương LDO | 01/12/2023 11:03

Hơn 30 lãnh đạo các cơ quan báo chí tại Lâm Đồng và các tỉnh thành trên cả nước tham gia chương trình tập huấn “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất tin, bài”.

Trong khuôn khổ Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024”, ngày 1.12.2023, tại Lâm Đồng, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp cùng Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức chương trình tập huấn “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất tin, bài” cho lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Dùng AI phục vụ báo chí điều tra

Tại chương trình tập huấn, ông Nguyễn Hoàng Nhật - Phó Tổng Biên tập Báo VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam cho biết, hiện nay, chúng ta dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hóa các khâu sản xuất tin bài (viết tin, tóm tắt tin, đặt tít, chọn từ khóa...), dùng AI để hiểu độc giả (độc giả là ai, ở đâu, muốn gì), dùng AI để tăng số lượng độc giả trả phí, AI tối ưu hóa việc sử dụng hình ảnh.

AI tác động tới tất cả các khâu, từ thu thập, sản xuất đến phân phối tin tức. Sự ra đời của Generative AI sẽ càng thúc đẩy các tòa soạn đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất các sản phẩm báo chí.

Ông Nhật dẫn chứng vụ “Panama Papers”. Panama Papers là bộ tài liệu chứa đựng những thông tin nhạy cảm về các tài sản của hàng trăm người giàu nhất thế giới, các nguyên thủ quốc gia, chính khách, người thân và bạn bè của họ.

Năm 2016, hàng loạt quốc gia trên thế giới đã tuyên bố tiến hành điều tra những thông tin có liên quan đến công dân nước mình để làm rõ những sai phạm nếu có về trốn thuế, né thuế và rửa tiền sau khi những tiết lộ được báo chí đăng tải. Hiệp hội Báo chí điều tra quốc tế ICIJ dùng công cụ AI (tương tự Pinpoint của Google) để lọc thông tin từ 13,4 triệu trang tài liệu về các “công ty ngoài khơi”.

Từ 2017, hãng Reuters đã sử dụng News Tracer để lọc hàng triệu dòng trạng thái trên Twitter, đánh giá tiềm năng xem có phải tin nóng hay không.

Ông Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ kiến thức về AI cho lãnh đạo các cơ quan báo chí. Ảnh: Mai Hương

Tác động đến hoạt động tác nghiệp

Ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực đã có những tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực báo chí, truyền thông. Nền tảng công nghệ đã sản sinh ra nhiều cách làm mới, làm thay đổi phương thức, thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng.

Các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo cũng có sự chi phối nhất định đối với báo chí và làm thay đổi căn bản cách thức sản xuất và tiếp cận nội dung của các tòa soạn, tác động đến hoạt động tác nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên; cũng như phương thức quản lý, điều hành của lãnh đạo các cơ quan báo chí trên cả nước.

Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho hay, sức hấp dẫn của tin tức, ngoài nội dung phong phú, mới, “nóng” và đi vào những vấn đề thiết thực nhất mà công chúng đang quan tâm, thì hình thức thể hiện cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến công chúng.

Ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí. Ảnh: Mai Hương

Hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các tòa soạn tập trung vào việc tối ưu hóa tìm kiếm như đặt từ khóa, gợi ý đặt tít, gợi ý các bài đăng trên mạng xã hội, tóm tắt bài báo dài, dịch thuật, xử lý ảnh, xử lý video, biến text thành âm thanh, xử lý dữ liệu để trực quan hóa dữ liệu, xử lý dữ liệu để hiểu độc giả... do đó công chúng có nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn để tiếp cận thông tin.

"Để gia tăng tốc độ sản xuất tin, bài, thu hút độc giả và giữ vững vị thế cũng như vai trò tiên phong trong công tác truyền thông, các tờ báo tất yếu phải ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động nghiệp vụ và quản lý để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của công chúng, tận dụng những ưu điểm của chính các nền tảng công nghệ mới để từng bước chuyển mình, vận động phù hợp với xu hướng chuyển đổi số báo chí" - Phó Cục trưởng Cục Báo chí Đặng Khắc Lợi nhấn mạnh.

Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024” là chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng theo hình thức xã hội hóa với sự đồng hành của Vinamilk trong 5 năm triển khai từ năm 2020-2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn