MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ trao danh hiệu Sao Khuê 2017.

Cách mạng công nghiệp 4.0: Phải đột phá hơn rất nhiều so với 15 - 20 năm trước

Hải Đăng LDO | 16/04/2017 09:32
Về hạ tầng, 20 năm trước đây, Việt Nam đã quyết liệt đưa thông tin di động về tận vùng núi, vùng nông thôn thì nay phải phát triển mạnh mẽ thông tin băng rộng đến mọi ngõ ngách.

Đó là nhận định của Uỷ viên TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại lễ trao Danh hiệu Sao Khuê 2017 hôm 15.4. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, chúng ta đứng trước thách thức một mặt phải phát triển bền vững, một mặt phải đi nhanh hơn để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Để làm được việc đó, chúng ta phải khai thác bằng được những gì chúng ta tự nhận thấy và cũng được thế giới đánh giá là  chúng ta có lợi thế. Một trong những lợi thế đấy là trí lực của người Việt Nam liên quan và trực tiếp trong lĩnh vực CNTT.

Chính phủ đã bàn rất nhiều lần và gần đây nhất là bàn những việc cần phải làm và phát huy để tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Chính phủ cũng biết rằng, chúng ta một mặt tuyên truyền toàn xã hội biết về thời cơ và thách thức về cuộc cách mạng này nhưng mặt quan trọng hơn là bằng những hành động rất thiết thực và cụ thể để tận dụng thời cơ. Không nên chỉ nói về cuộc cách mạng này như một chủ đề khoa học hay có tính thời sự quốc tế. Để làm được điều đó cần làm rất nhiều việc nhưng một điều chắc chắn rằng, chúng ta phải có một bước đột phát mạnh mẽ hơn rất nhiều so với 15 hay 20 năm trước đây về công nghệ… - Phó Thủ tướng nói.

Về hạ tầng nhất thiết phải phát triển mạnh mẽ thông tin băng rộng đến tất cả mọi ngõ ngách, tương tự như 20 năm trước đây, chúng ta đã quyết liệt để đưa thông tin di động về tận vùng núi, vùng nông thôn. Các doanh nghiệp viễn thông cam kết rất cụ thể về vấn đề này và bằng việc ngay trong đầu năm nay Việt Nam sẽ có mạng thông tin 4G tầm cỡ quy mô lớn trên thế giới chính thức được khai chương. Chương trình quỹ viễn thông công ích sẽ tiếp tục phát huy với mục tiêu này. Công ích trước đây chỉ là điện thoại thì nay phải là thông tin băng rộng. Trước hết là các dịch công trong các cơ quan của Chính phủ đều phải ứng dụng CNTT vừa để nâng cao hiệu quả vừa để nâng cao tính minh bạch để chống tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy hành chính. Chúng ta phải bắt đầu bằng những dịch vụ liên quan nhiều người dân nhất ví dụ như: Giao thông, y tế, giáo dục và các dịch vụ có tính chi trả… 

Về xu hướng công nghệ ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT - cho rằng, các sản phẩm, dịch vụ CNTT hiện nay đã được ứng dụng trong các lĩnh vực quan trọng: ngân hàng, giao thông vận tải và quản trị doanh nghiệp có chất lượng cao, ứng dụng rộng rãi, đem lại hiệu quả lớn. Tuy nhiên, xu hướng các doanh nghiệp chuyển dịch dần từ cung cấp sản phẩm, giải pháp sang cung cấp và cho thuê các dịch vụ CNTT… là rất rõ nét.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Tấn Minh – Phó Giám đốc GMO-Z.com Runsystem – (nhóm các sản phẩm dịch vụ CNTT) – cho rằng, tương lai trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ phát triển mạnh, đi kèm theo đó là xử lý dữ liệu lớn Big-data. Các công nghệ này sẽ giúp khai phá những cơ hội tiềm ẩn trong việc nâng cao trải nghiệm khách hàng, dự đoán trước hành vi khách hàng và mở rộng dữ liệu cho hệ thống trải nghiệm người dùng "siêu cá nhân hóa". Đây sẽ là công nghệ được “săn đón” trong tất cả các lĩnh vực từ marketing, truyền thông, kinh doanh...

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn