MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nhà khoa học đã phát hiện một cách mới để tìm ra các hố đen siêu khổng lồ có khả năng "ăn thịt" hành tinh ở gần. Ảnh: NASA

Cách mới để phát hiện hố đen "ăn" hành tinh trong các thiên hà

Anh Vũ LDO | 04/05/2023 20:00

Cách đây rất lâu, một hố đen siêu lớn đã "ăn thịt" một ngôi sao ở trung tâm thiên hà NGC 7392. Tia sáng từ "bữa tối" của hố đen này đã đến Trái đất vào năm 2014, nhưng các nhà thiên văn học chỉ vừa phát hiện ra nó trong dữ liệu của họ, theo Live Sciences.

Vụ nổ mới được phát hiện này diễn ra tại trung tâm của thiên hà NGC 7392, là ví dụ gần nhất về sự kiện gián đoạn thủy triều (TDE).

Sự kiện gián đoạn thủy triều xảy ra khi lực hấp dẫn của một hố đen xé nát một ngôi sao ở gần. Một số vật chất của ngôi sao bị trục xuất ra ngoài, trong khi phần còn lại bị kéo về phía hố đen. Các vật chất tạo thành một chiếc đĩa bồi đắp dần xung quanh hố đen cho tới khi nó bị kéo vào trong.

Hố đen này được phát hiện cách Trái đất khoảng 137 triệu năm ánh sáng, xa hơn 35 triệu lần so với Proxima Centauri, ngôi sao gần Mặt trời nhất.

Các nhà thiên văn học mới chỉ quan sát được khoảng 100 sự kiện như vậy cho đến nay và sự kiện này gần hơn bốn lần so với sự kiện "TDE gần Trái đất nhất" từng được phát hiện trước đó.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra ánh sáng của TDE trong tia hồng ngoại, một bước sóng khác với hầu hết các phát hiện TDE thông thường, thường có trong tia X, tia cực tím và ánh sáng quang học.

Tác giả chính của nghiên cứu, Christos Panagiotou, một nhà thiên văn học tại Viện Công nghệ Massachusetts cho biết: “Việc tìm thấy TDE gần như vậy có nghĩa là phải có một lượng lớn các sự kiện này xảy ra mà các phương pháp truyền thống không thể thấy được.

Vì vậy, chúng ta nên cố gắng tìm những thứ này bằng tia hồng ngoại nếu muốn có một bức tranh hoàn chỉnh về các hố đen và các thiên hà chủ của chúng".

  Việc sử dụng các khảo sát hồng ngoại để thu được thông tin về các sự kiện TDE bị che khuất đã cho chúng ta thấy rằng có một số lượng TDE trong các thiên hà đang hình thành sao mà chúng ta đã bỏ lỡ. Ảnh: NASA

Sau lần đầu tiên phát hiện ra TDE trong các quan sát từ kính viễn vọng không gian NEOWISE, Panagiotou và các cộng tác viên đã sàng lọc dữ liệu từ nhiều đài quan sát và kính viễn vọng không gian khác để tìm hiểu thêm thông tin về hố đen siêu lớn của thiên hà NGC 7392. Họ muốn giải quyết bí ẩn tại sao dấu vết của TDE này chỉ xuất hiện trong tia hồng ngoại, thay vì trong các bước sóng năng lượng cao khác.

Các sự kiện TDE được phát hiện trước đây chủ yếu xuất hiện ở cái gọi là thiên hà xanh lục (green galaxies). Những thiên hà này không tạo ra nhiều sao như các thiên hà xanh lam (blue galaxies), vốn hoạt động mạnh hơn.

Tuy nhiên, NGC 7392 là một thiên hà xanh lam, loại thiên hà tạo ra rất nhiều bụi trong quá trình sản sinh sao mới. Lớp bụi này có thể che khuất trung tâm thiên hà, nơi sinh sống của hố đen siêu nặng, khỏi ánh sáng quang học và tia cực tím. Phát hiện này gợi ý rằng các nhà thiên văn học cũng nên tìm kiếm TDE trong ánh sáng hồng ngoại.

"Việc sử dụng các khảo sát hồng ngoại để thu được thông tin về các sự kiện TDE bị che khuất đã cho chúng ta thấy rằng có một số lượng TDE trong các thiên hà đang hình thành sao mà chúng ta đã bỏ lỡ", Suvi Gezari, một nhà thiên văn học tại Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian Mỹ cho biết trong tuyên bố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn