MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những thông tin cảnh báo về vấn đề hack tài khoản, lừa đảo qua mạng liên tục xuất hiện khiến không ít người dùng mạng, nhất là người thế hệ trước cảm thấy hoang mang. Ảnh: Chụp màn hình

Choáng ngợp trước ma trận cảnh báo hack, lừa đảo liên tiếp trên mạng xã hội

Anh Vũ LDO | 14/04/2024 14:09

Trong những ngày gần đây, người dùng mạng xã hội Việt Nam đã nhận được liên tiếp các thông tin cảnh báo cũng như thông tin liên quan tới những rủi ro bị hack tài khoản, lừa đảo, mất thông tin trên mạng khiến không ít người hoang mang, lo lắng.

Nửa đêm ngày 13.4, chị Phương Thảo (sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) giật mình khi chuông báo tin nhắn trong nhóm Zalo của gia đình. Vội vàng mở điện thoại xem tin nhắn, chị Thảo bật cười khi đó là một tin nhắn cảnh báo lừa đảo do mẹ chị gửi.

"Mẹ tôi rất hay lướt mạng xã hội sau khi về nhà. Thời gian gần đây, nhiều vụ hack, lừa đảo qua mạng được đăng tải trên Facebook làm mẹ tôi rất lo lắng. Nhiều khi bà gửi những cả những cảnh báo khá vô lý mà bà thấy trên mạng" - chị Thảo chia sẻ với Lao Động.

Trường hợp của gia đình chị Phương Thảo không phải là một ngoại lệ. Trong cuộc sống mà công nghệ đã len lỏi vào từng ngóc ngách như hiện tại, thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội đã trở thành một trong những yếu tố thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của không ít người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ kiến thức và kinh nghiệm, trải nghiệm để phân biệt thông tin thật, giả trên không gian mạng.

Lo sợ trước các vụ tấn công trên mạng

Chỉ trong vài tuần đầu tháng tư, liên tục các vụ tấn công mạng đã được truyền thông đưa tin. Từ những thông tin về việc các YouTuber nổi tiếng như Độ Mixi và Quang Linh Vlogs bị mất tài khoản YouTube tới cảnh báo về khả năng tấn công, cài phần mềm gián điệp trên iPhone ở gần 100 quốc gia của Apple, người dùng mạng xã hội đang liên tiếp nhận được thông tin tiêu cực về vấn đề bảo mật.

Chỉ trong 1 tuần, tài khoản YouTube của Độ Mixi đã bị chiếm quyền tới 3 lần. Ảnh: Anh Vũ

Gần đây nhất, ngay sau khi Apple ra thông báo về phần mềm gián điệp trên iPhone, cộng đồng mạng Việt Nam đã rộ lên tin đồn về một cách thức tấn công vào FaceID của người dùng nhắm chiếm đoạt tài khoản AppleID, từ đó tấn công các ứng dụng khác trên điện thoại.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã xác nhận đây là thông tin giả và chưa ghi nhận trường hợp nào bị tấn công dưới dạng này ở Việt Nam.

Nhưng một bộ phận người dùng mạng vẫn cảm thấy lo lắng, hoang mang trước thông tin này, dù không ít bài báo, status hay chia sẻ của chuyên gia nhận định đó là tin giả.

"Giống như những lần trước, mỗi khi thấy có thông tin gì liên quan tới hack Facebook là mẹ tôi đều tin là thật và chia sẻ với rất nhiều người" - chị Thảo nói.

Không phải là lo lắng hão huyền

Nhiều người dùng tại Việt Nam hiện nay vẫn khá chủ quan với môi trường internet, cho rằng các tài khoản mạng xã hội chỉ để giải trí và không quan trọng.

Tuy nhiên, theo chuyên gia an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn, tình trạng hack tài khoản của người dùng ở Việt Nam tới nay khá phổ biến. Các đối tượng sau khi tấn công chiếm tài khoản này sẽ lợi dụng chúng để phục vụ các mục đính mang tính lừa đảo, từ đăng tải thông tin giả tới giả làm chủ tài khoản để lừa bạn bè, người thân.

Do đó, nếu bị hack mất tài khoản, có thể chính chủ tài khoản không gặp vấn đề gì, nhưng bạn bè, người thân hay đồng nghiệp sẽ là nạn nhân của kẻ lừa đảo. Hơn nữa, việc cung cấp thông tin một cách "thoải mái" cho các mạng xã hội cũng khiến người dùng trở thành mục tiêu cho không ít kẻ tấn công mạng.

Theo ông Sơn, để tự bảo vệ mình trước những mối nguy trên internet, người dùng cần trang bị kỹ năng an toàn. Ví dụ, tránh bấm vào link lạ cũng như không nhập thông tin tài khoản vào những địa chỉ dạng này. Bên cạnh đó, không cài đặt những ứng dụng lạ, ứng dụng khả nghi trên điện thoại và máy tính để tránh mất thông tin cá nhân bởi mã độc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn