MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc lạm dụng các công cụ AI của học sinh, sinh viên đang làm giáo viên trên khắp thế giới phải đau đầu. Ảnh: AFP

Chóng mặt đối phó các chiêu trò gian lận thi cử bằng AI

Anh Vũ LDO | 05/09/2024 11:39

Từ trào lưu "người lửa" gây tranh cãi trên mạng xã hội, có thể thấy việc sử dụng AI trong gian lận thi cử đang khiến giáo viên khắp thế giới đau đầu.

Trào lưu "sự phận nội của người lửa" đang lan tràn trên mạng xã hội Việt Nam gần đây đã thu hút nhiều bình luận trái chiều. Bên cạnh tiêu đề bài thi bị viết sai chính tả một cách hài hước ("phận nội" thay vì viết đúng là "phẫn nộ"), thái độ của học sinh, giáo viên và cách xử lý của trường Cao đẳng FPT Polytechnic, vụ việc cũng đặt ra vấn đề về tình trạng học sinh, sinh viên lạm dụng các ứng dụng AI để gian lận trong thi cử.

Gian lận sử dụng AI đang trở thành vấn đề ngày càng phổ biến trong giáo dục, khi các công cụ trí tuệ nhân tạo bị lạm dụng. Phạm vi của gian lận AI không giới hạn ở bất kỳ cấp học hay lĩnh vực nào, mà lan rộng ở cả cấp trung học và đại học.

Chia sẻ với Wired, bà Christina Wyman, giáo viên tại Mỹ cho biết, AI đang khiến việc gian lận trong lớp học trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Công cụ tạo bài luận tự động, còn gọi là "essay mills", có thể tạo ra những bài luận hoàn chỉnh và mạch lạc chỉ dựa trên từ khóa hoặc dàn ý đơn giản. Nhờ đó, học sinh có thể nộp bài mà không cần viết. Một số ví dụ bao gồm EssaySoft, Articoolo và Dr Assignment Auto Writer.

Với toán học, những ứng dụng như Wolfram Alpha, Microsoft Math Solver và Photomath có khả năng giải các bài toán từ đại số đến vật lý phức tạp, cung cấp lời giải nhanh chóng mà học sinh không cần phải tự suy nghĩ.

Bên cạnh đó, trong các kỳ thi trực tuyến, một số công cụ AI có thể hỗ trợ học sinh bằng cách giải câu hỏi trong thời gian thực hoặc can thiệp vào chia sẻ màn hình, làm cho giám thị khó phát hiện gian lận. Các công cụ này thậm chí có thể điều chỉnh webcam hoặc màn hình chia sẻ để che giấu hành vi không trung thực.

Một số công cụ AI thậm chí có thể mô phỏng hành vi của học sinh, chẳng hạn như cách đánh máy hay di chuyển chuột, làm cho việc phát hiện gian lận khó khăn hơn trong các kỳ thi trực tuyến.

Giáo sư Steve Fuller - chuyên gia xã hội học tại Đại học Warwick (Anh) - thường nhận thấy những dấu hiệu bất thường trong các bài viết của sinh viên, đặc biệt là khi xuất hiện những cụm từ lặp đi lặp lại một cách máy móc. Đây có thể là dấu hiệu của việc sử dụng công cụ AI như ChatGPT, nơi các câu trả lời có thể đúng nhưng lại quá chung chung và không liên quan trực tiếp đến tài liệu của khóa học. Theo ông, những bài viết gian lận thường thiếu tham chiếu đến tài liệu yêu cầu của khóa học.

Một số giáo sư khác cũng bày tỏ lo ngại về tác động của AI trong giáo dục. Des Fitzgerald từ Đại học Cork (Anh) cho biết việc sinh viên sử dụng AI đã trở nên "phổ biến rộng rãi" và mô tả nó như một "cỗ máy sản xuất nội dung kém chất lượng".

Một vấn đề lớn khác với giáo viên là các phần mềm phát hiện AI chưa đủ tin cậy và nhiều trường đại học không sử dụng chúng. Điều này khiến các giáo sư hoài niệm về thời kỳ chỉ có đạo văn truyền thống, khi mà phần mềm phát hiện có thể so sánh văn bản với tài liệu gốc. Với ChatGPT, không có tài liệu nguồn rõ ràng để kiểm chứng, khiến việc chứng minh gian lận trở nên khó khăn hơn.

Một nghiên cứu cho thấy các trường hợp vi phạm học thuật đã tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba kể từ khi AI xuất hiện. Tuy nhiên, các giáo sư thường ngại tố cáo nếu không có bằng chứng xác thực. Fuller chia sẻ rằng ông thường nghi ngờ nhưng chỉ phản ánh điều đó trong điểm số và nhận xét của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn