MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người sử dụng có thể nhắn tin vào đầu số 1414 với cú pháp TTTB để biết được thông tin của mình có cần chuẩn hóa hay không. Ảnh: Hữu Chánh

Chuẩn hóa thông tin thuê bao, hướng tới môi trường di động văn minh an toàn

HỮU CHÁNH LDO | 25/03/2023 12:29
Theo lãnh đạo Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao (TTTB) sẽ góp phần làm giảm các hoạt động lợi dụng SIM thuê bao có thông tin không đúng để thực hiện các hoạt động quảng cáo sai sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật. Từ đó hướng tới môi trường dịch vụ di động văn minh và an toàn.

Từ ngày 31.3, các nhà mạng phải tạm dừng hoạt động của thuê bao nếu không chuẩn hóa thông tin sau khi đối soát thông tin với cơ sở dữ liệu dân cư và có thông báo đến khách hàng.

Liên quan về việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông để làm rõ hơn vấn đề này.

- Xin ông cho biết, liên quan đến việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, tính đến thời điểm này, còn bao nhiêu thuê bao chưa thực hiện việc chuẩn hóa?

Qua 10 ngày triển khai, với sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông, sự quyết tâm của các doanh nghiệp, hoạt động chuẩn hóa thông tin đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người sử dụng dịch vụ viễn thông di động.

Tính đến hết ngày 23.3, số lượng thuê bao đến chuẩn hoá sau khi nhận được thông báo của các doanh nghiệp đạt gần 1,2 triệu thuê bao (31% trên tổng số gần 4 triệu thuê bao mà các doanh nghiệp đã xác định cần thực hiện chuẩn hoá sau đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư), còn hơn 2,6 triệu thuê bao cần thực hiện chuẩn hóa.

Ngoài ra, số lượng người đến chuẩn hóa thông tin thuê bao tăng từ 10-20 lần, có doanh nghiệp di động đã mở thêm giờ giao dịch vào buổi tối tại một số điểm khi vẫn còn khách hàng đến giao dịch, chuẩn hóa.

Với ứng dụng trên điện thoại di động, trang web có số truy cập tăng 20 lần so với ngày thường.

Các nhà mạng ngoài việc nhắn tin tới thuê bao theo quy định còn gọi điện thông báo qua các số điện thoại đã đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng. 

- Việc chuẩn hóa đang được Cục Viễn thông thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông thực hiện như thế nào, thưa ông?

Trên cơ sở kết quả mà các doanh nghiệp đã báo cáo, Cục Viễn thông cũng đã nhận thấy, với số lượng thuê bao thực hiện chuẩn hoá như trong 10 ngày qua có thể ảnh hưởng tới tiến độ chuẩn hoá.

Do vậy, để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông (hạn chế bị dừng dịch vụ), ngày 22.3 Cục đã có văn bản số 1049/CVT-PTHT đề nghị các doanh nghiệp:

- Tăng cường trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất để tất cả người sử dụng dịch vụ thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao. 

- Chủ động rà soát, phân chia các tập thuê bao (theo thiết bị đầu cuối sử dụng, độ tuổi,…) từ đó tổ chức truyền thông, thông báo qua các hình thức phù hợp (qua tin nhắn, điện thoại, các phương tiện thông tin đại chúng) nhằm thúc đẩy, khuyến khích người sử dụng dịch vụ viễn thông thực hiện cập nhật thông tin thuê bao theo đúng quy định. Đồng thời bảo đảm tất cả người sử dụng dịch vụ viễn thông đều tiếp nhận được đầy đủ, chính xác thông tin.

Hiện còn khoảng 2,6 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa. Những ngày làm việc trong tuần có thể số lượng khách hàng cập nhật chưa nhiều, do đó các doanh nghiệp cần bổ sung lực lượng, phương tiện để đáp ứng nhu cầu của khách hàng vào những ngày cuối tuần và ngoài giờ làm việc. 

Để biết được thông tin của mình có cần chuẩn hóa không, người sử dụng có thể chủ động nhắn tin vào đầu số 1414 với cú pháp TTTB để nhận được thông tin thuê bao mình đang sử dụng.

Đây là dịch vụ nhắn tin hoàn toàn miễn phí, qua dịch vụ này, người sử dụng cũng chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian và tìm điểm chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp di động để thực hiện chuẩn hóa. 

- Các thuê bao không chuẩn hóa thông tin đến ngày 31.3 sẽ bị khóa một chiều, vậy theo ông, việc này có thể làm giảm SIM rác, các loại SIM không chính chủ trên thị trường?

Công tác chuẩn hoá thông tin thuê bao, bảo đảm thông tin của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động được quản lý đầy đủ, chính xác, có vai trò hết sức quan trọng.

Đợt chuẩn hoá lần này có điểm khác so với các lần trước đây. Nếu như trước đây, việc chuẩn hoá mới chỉ dừng ở mức đối chiếu, bảo đảm sự đầy đủ, trùng khớp giữa thông tin được khách hàng cung cấp khi mua, đăng ký SIM và thông tin lưu trữ tại nhà mạng thì lần này, sau khi chúng ta đã có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm dữ liệu “gốc” để đối chiếu, xác thực thì việc chuẩn hóa hướng tới mục tiêu bảo đảm thông tin thuê bao thông tin đúng quy định và có thông tin trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sau khi đối soát.

Từ đó sẽ góp phần làm giảm các hoạt động lợi dụng SIM thuê bao có thông tin thuê bao không đúng để thực hiện các hoạt động quảng cáo không đúng sự thật, vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật.

- Theo lộ trình kiểm soát của Cục, việc xử lý đối với các nhà mạng vi phạm như thế nào, thưa ông?

Sau ngày 31.3, căn cứ việc thực hiện của các doanh nghiệp di động theo các quy định tại nghị định 49/2017/NĐ-CP. Nếu việc thực hiện không nghiêm túc, Cục Viễn thông sẽ kiến nghị lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thanh tra và xử phạt. 

Việc loại bỏ các SIM thuê bao không đúng quy định là một quá trình, do vậy công việc này sẽ được liên tục rà soát và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện. 

Việc tạo môi trường dịch vụ viễn thông di động văn minh và an toàn cũng cần sự chung tay của người sử dụng di động, nếu mỗi người sử dụng khi phát hiện các số điện thoại nghi ngờ, các đường link có dấu hiệu lừa đảo hãy nhắn tin tới đầu số 156 để các doanh nghiệp chặn, lọc. Từ đó, chúng ta sẽ có một môi trường dịch vụ di động văn minh và an toàn.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn