MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyển đổi số báo chí, bản quyền trên mạng vẫn là thách thức với ASEAN. Ảnh: Thùy Trang

Chuyển đổi số báo chí, bản quyền trên mạng vẫn là thách thức với ASEAN

THÙY TRANG LDO | 21/09/2023 14:15

Các quốc gia tại ASEAN nhìn nhận chuyển đổi số báo chí, phát thanh, truyền hình và việc bảo vệ quyền sở hữu, bản quyền trên không gian mạng vẫn đang là thách thức.

Ngày 21.9, hội thảo "ASEAN chuyển đổi số báo chí kiến tạo tri thức số" đã diễn ra tại TP Đà Nẵng. Các nước trong khu vực đã chia sẻ những sáng kiến, cách làm chuyển đổi số với báo chí và nỗ lực bảo mật, bảo hộ quyền sở hữu thông tin trên mạng.

Đại diện ngành thông tin và truyền thông Indonesia cho biết, Indonesia đã có hệ thống quy định về truyền thông báo chí, thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quản lý tài khoản mạng, tin tức truyền thông trực tuyến.

Luật Báo chí giúp phát triển tự do, dân chủ báo chí, tạo sân chơi công bằng, hệ sinh thái lành mạnh cho nền báo chí chất lượng cao. Các quy tắc ứng xử trong phát sóng các chương trình, điều tiết ngành công nghiệp điện ảnh, cấp phép phát hành phim, cơ chế kiểm duyệt… cũng đã được quy định rõ.

Tuy nhiên thực tế, những quy định hiện có chưa bảo vệ toàn diện cho ngành truyền thông trên không gian mạng.

Đại diện Indonesia cho rằng truyền thống số vẫn chưa được bảo vệ toàn diện quyền sở hữu, bảo mật trên không gian mạng. Ảnh: Thùy Trang

“Chúng tôi đã đưa ra luật về phát triển công nghệ và trực tuyến để đảm bảo sự chắc chắn trong những giao dịch điện tử, tránh việc đưa thông tin sai, lừa đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, hầu hết luật về truyền thông thường chỉ bảo vệ trong vấn đề kỹ thuật với các cơ quan cung cấp thông tin nên vẫn cần sự hỗ trợ từ cộng đồng, công chúng.

Dù vậy, chúng tôi vẫn nỗ lực phát triển hệ sinh thái truyền thông báo chí dựa trên 3 tiêu chuẩn với các đạo luật về kỹ thuật số, tin tức trực tuyến, quy tắc thương lượng trên truyền thông tin tức. Thông qua những tiêu chuẩn này, chúng tôi muốn đảm bảo sự cân bằng giữa các bên” – đại diện Indonesia chia sẻ.

Ông Zul-Fakhri Maidy – đại diện đến từ Brunei cho rằng, không giống tài sản điện tử khác, quyền sử dụng trên truyền thông đang đối diện với nhiều vấn đề thách thức liên quan đến thư điện tử, các thiết kế sáng tạo, nội dung, thông tin được bảo hộ quyền sử dụng.

Đại diện Brunei chia sẻ về thách thức trong chuyển đổi số báo chí. Ảnh: Thùy Trang

Với Brunei, chính phủ nước này đã tham gia những hiệp định liên quan bảo hộ thông tin của thế giới như công ước của châu Âu, Australia… với nguyên tắc cơ bản là bảo đảm quyền tác giả, quyền sử dụng thông tin hoặc thông tin đó nằm trong những hợp đồng liên quan đến sử dụng thông tin, sử dụng lao động.

“Quyền sở hữu là điều được nhấn mạnh đầu tiên trong lĩnh vực truyền thông. Chúng tôi có quy chuẩn về Internet, cung cấp thông tin dịch vụ và chính quyền đã xây dựng chiến lược nhằm hướng đến sự hợp tác giữa các chính quyền giữa các đơn vị, cơ quan nhà nước, đối thoại liên quan đến chuyển đổi số, các bộ phận liên quan đến quan hệ công chúng để tăng hỗ trợ cho sự chuyển đổi trong các đơn vị báo chí.

Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị chịu trách nhiệm trong chuyển đổi số. Song song đó, chính quyền và văn phòng chính phủ có liên quan cũng sẽ tham gia bảo vệ quyền sở hữu, bảo hộ trí tuệ trong không gia mạng.

Với khu vực ASEAN, chúng tôi mong các thành viên sẽ nâng cao và mở rộng hợp tác ngành công nghệ số, chuyển đổi số cho các cơ quan truyền thông như mở các khóa đào tạo về công nghệ, sản xuất video. Bên cạnh đó, các quốc gia có thể tăng cường trao đổi nội dung truyền thông qua Internet, giữa các nền tảng số lớn cho báo chí, khuyến khích nâng cao nhận thức cho người dân với các chiến dịch hạn chế sự xâm phạm” – đại diện Brunei chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn