MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trình báo tại cơ quan Công an. Ảnh: Công an tỉnh Gia Lai

Công an cảnh báo nguy cơ đánh cắp tài khoản ngân hàng khi cấp quyền hỗ trợ Accessibility

Cẩm Hà LDO | 04/06/2024 10:19

Để tránh bị đánh cắp tài khoản ngân hàng, cơ quan công an khuyến cáo tuyệt đối không cấp quyền hỗ trợ (Accessibility), bởi tất cả các ứng dụng của ngân hàng, thuế hay bất kỳ cơ quan nào khác đều không yêu cầu quyền này.

Ngày 4.6, theo Cổng thông tin Bộ Công an, chỉ tính từ giữa tháng 12.2023 đến hết tháng 4.2024, số liệu thống kê từ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai) cho thấy, cơ quan chức năng phát hiện 28 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng với tổng thiệt hại hơn 9 tỉ đồng.

Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo nhưng vẫn xuất hiện nhiều nạn nhân mới.

Một vụ việc điển hình là đầu tháng 4.2024, anh P. ở huyện Chư Sê, Gia Lai đến cơ quan Công an trình báo bị mất 678 triệu đồng vì làm theo lời một đối tượng giả danh Công an.

Đối tượng này gọi điện, yêu cầu anh P. cập nhật thông tin căn cước công dân bằng cách truy cập vào link dẫn đến một trang web giả mạo dịch vụ công để chiếm quyền sử dụng điện thoại của anh P rồi rút toàn bộ số tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Trình báo tại cơ quan Công an, anh P. chia sẻ: “Do phần mềm có giao diện gần giống với giao diện “Dịch vụ công trực tuyến” thật của Bộ Công an nên tôi hoàn toàn tin tưởng và thực hiện các thao tác theo hướng dẫn. Khi cài đặt, phần mềm yêu cầu toàn quyền truy cập điện thoại của tôi, tôi cũng không nghi ngờ gì. Tiếp đó các đối tượng yêu cầu tôi chuyển khoản 12.000 đồng vào tài khoản có tên là “Quỹ bảo trợ trẻ em VN”. Tôi vừa thực hiện xong thì ngay lập tức tài khoản ngân hàng của tôi báo toàn bộ số tiền trong tài khoản của tôi đã bị chuyển sang tài khoản khác. Lúc đó tôi mới biết mình bị lừa”.

Một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và cách phòng ngừa. Ảnh: Công an tỉnh Gia Lai

Theo cơ quan công an, cùng với thủ đoạn trên, thời gian qua có nhiều thủ đoạn của tội phạm lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đánh cắp tài khoản ngân hàng là: giả danh (giả danh lãnh đạo, cơ quan pháp luật, nhân viên ngân hàng, cán bộ viễn thông, bảo hiểm xã hội, công ty tài chính…); hack facebook, zalo; gọi điện khủng bố; lừa đảo trúng thưởng; bẫy tình trên mạng xã hội; mua bán hàng trực tuyến, làm việc qua ứng dụng lạ...

Để tránh rơi vào bẫy lừa cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nhận diện đặc điểm chung của các hình thức lừa đảo để nâng cao cảnh giác. Không làm việc, cung cấp thông tin cá nhân hoặc làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại.

Tuyệt đối không truy cập các link nhận được qua tin nhắn hoặc cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc. Không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên điện thoại thông minh.

Tuyệt đối không cấp quyền hỗ trợ (Accessibility), bởi tất cả các ứng dụng của ngân hàng, thuế hay bất kỳ cơ quan nào khác đều không yêu cầu quyền này. Nếu nghi ngờ bị lừa, cần liên hệ ngay với cơ quan Công an để được hỗ trợ; ngay lập tức tắt wifi, dữ liệu di động; tháo sim, tắt nguồn điện thoại để ngăn chặn việc đối tượng chiếm quyền truy cập trái phép hoặc đọc mã OTP ngân hàng gửi về điện thoại.

Trong trường hợp không thể tắt nguồn thì tắt thiết bị phát sóng wifi hoặc di chuyển ra xa khoảng cách bắt tín hiệu wifi để ngắt hoàn toàn kết nối với đối tượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn